Tin địa phương

Phát sinh tiêu cực trong lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa kỳ Quyết định 4307/QĐ-UBND ban hành Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện và tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường

Theo đề án này, từ trước đến nay chưa có văn bản của Trung ương quy định về việc thành lập, tổ chức bộ máy, hoạt động của các tổ chức làm nhiệm vụ kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT). Mô hình tổ chức, bộ máy KTQTĐT là mô hình đặc thù của Đà Nẵng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của TP.

Đà Nẵng sẽ kiện toàn trở lại lực lượng Kiểm tra quy tắc đô thị (Ảnh: HC)


Hình thành từ năm 1998 đến nay, các bộ máy KTQTĐT (gồm các Đội KTQTĐT quận, huyện và các Tổ KTQTĐT phường) ở Đà Nẵng đã hướng dẫn các tổ chức, công dân thực hiện đúng quy định, đồng thời kiểm tra, xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị; là bộ phận giúp việc có hiệu quả cho UBND quận, huyện, phường trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc chưa có quy định hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương cũng dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức hoạt động của mô hình KTQTĐT. Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng này với các cơ quan chuyên môn về quản lý đô thị tại địa phương chưa rõ ràng, dẫn đến chồng chéo trong công việc.

Cũng do chưa có quy định khung về tiêu chuẩn, trình độ của thành viên các Tổ KTQTĐT nên việc tuyển dụng, sử dụng chưa đồng nhất giữa các quận, phường; một số thành viên không có hoặc không đảm bảo trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ. Việc giải quyết chế độ, chính sách của các viên chức, người lao động làm nhiệm vụ KTQTĐT tại các địa phương không được thống nhất.

Theo thống kê đến tháng 5/2017, 7 Đội KTQTĐT ở các quận, huyện của Đà Nẵng hiện có 298 viên chức, người lao động làm nhiệm vụ (so với số lượng được giao năm 2017 là 278 người), nhưng có đến 88,5% không có trình độ chuyên ngành về xây dựng nên không thể đảm bảo chất lượng thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Ngoài ra, 130 người (chiếm 43,62%) không có trình độ chuyên môn.

Do đó đã có nhiều trường hợp kiểm tra, hướng dẫn và tham mưu cho UBND quận, huyện chưa kịp thời, dẫn đến xảy ra sai phạm trong công tác trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Ngoài ra, một số thành viên Đội KTQTĐT các quận, huyện có hành vi, văn hóa giao tiếp, lời nói chưa đúng mực khi làm việc với các tổ chức, cá nhân; một số trường hợp có phát sinh tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ. Đây cũng là tình hình chung của các Tổ KTQTĐT các phường trên địa bàn.

Trước tình hình đó, theo UBND TP Đà Nẵng, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Đội KQTĐT quận, huyện và Tổ KTQTĐT phường trên địa bàn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như đảm bảo về chế độ, chính sách đối với các thành viên tham gia hoạt động KTQTĐT.

Theo đó, thành viên Đội KTQTĐT quận, huyện phải đảm bảo trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên, thuộc các nhóm ngành đào tạo: xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, môi trường, giao thông - công chính, kinh tế, luật, hành chính. Việc bổ nhiệm Đội trưởng, Đội phó các Đội KTQTĐT quận, huyện phải theo quy định của UBND TP Đà Nẵng về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức vụ Trưởng, Phó trưởng phòng và tương đương thuộc UBND quận, huyện.

Viên chức, người lao động thuộc Đội KTQTĐT quận, huyện được biệt phái tham gia Tổ KTQTĐT tại các phường cũng phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ nêu trên. Các viên chức, người lao động đang công tác tại các Đội KTQTĐT quận, huyện chưa có hoặc chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định nêu trên thì phải cam kết tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cap trình độ. Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày Đề án này được duyệt, nếu những người này vẫn chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định thì sẽ xem xét, thực hện tinh giản biên chế hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP