Thế giới

Phản ứng bất ngờ của Crimea khi bị châu Âu tiếp tục áp lệnh trừng phạt

Người đứng đầu cộng hòa Crimea thuộc Nga đã gửi lời mời các công dân châu Âu tới bán đảo này sau quyết định của liên minh châu Âu EU tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên khu vực đã sáp nhập lại Nga vào năm 2014.

Ông Sergei Aksyonov (Ảnh: Eunews)

Theo Tass, nhằm đáp trả lại quyết định tiếp tục gia hạn trừng phạt của châu Âu, lãnh đạo Crimea Sergei Aksyonov đã gửi lời mời các công dân châu Âu tới bán đảo này.

“Về phần chúng tôi, Crimea rất cởi mở trong việc hợp tác và rất vui mừng khi có thể gặp các vị khách. Tại Nga, mọi người thường hay nói rằng một bức ảnh có giá trị biểu đạt hơn cả ngàn từ ngữ. Vì vậy, hãy đến Crimea và đừng tin vào những câu chuyện về cái gọi là (Crimea bị) xâm lược đã bị “thêu dệt” bởi những thế lực có ác cảm với Crimea”, ông Aksyonov viết trên mạng xã hội facebook.

Theo người đứng đầu Crimea, người dân sinh sống ở bán đảo chỉ biết về lệnh trừng phạt khi truyền thông nói về điều này. “Lệnh trừng phạt gần đây của EU và những lệnh trừng phạt khác, sẽ không thể ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội và kinh tế của khu vực này. Tất cả các dự án trên bán đảo, từ cầu Crimea, các nhà trẻ, các cơ sở chăm sóc sức khỏe đều được tiến hành dù Crumea đã và đang bị trừng phạt”, ông Aksyonov lý giải.

Người đứng đầu Crimea cho rằng mặc dù chịu lệnh trừng phạt, nhưng chính quyền của khu vực vẫn có thể tổ chức rất nhiều sự kiện quốc tế và đón chào đại diện của hơn một nửa thế giới tới tham dự. Ông cũng đánh giá rằng các lệnh trừng phạt là “vi phạm nhân quyền, làm suy yếu đi nền tàng dân chủ”.

Ngày 18/6, Liên minh châu Âu tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Crimea thêm 12 tháng, đến ngày 23/6/2019. Các lệnh này bao gồm cấm nhập khẩu hàng hóa từ Crimea, cấm đầu tư vào Crimea. Các tàu bè châu Âu bị cấm vào cảng của bán đảo, trong khi các máy bay không được phép hạ cánh ở đây, trừ trường hợp khẩn cấp.

Các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ liên quan tới hàng loạt lĩnh vực từ giao thông, công nghệ, năng lượng, tới tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp trên được giới thiệu vào năm 2014 và được gia hạn trong khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 năm từ đó tới nay.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng sau sự việc người dân Crimea biểu quyết ly khai Ukraine và nhất trí tái sáp nhập vào Nga vào năm 2014. Trong khi Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích Nga can thiệp tình hình nội bộ Kiev thì Nga mạnh mẽ bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này, nhấn mạnh việc đưa Crimea trở lại Moscow là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Crimea , EU , lệnh trừng phạt , Nga

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP