Pháp luật

Ông Đinh La Thăng: Vốn rót vào nhiệt điện Thái Bình 2 không thuộc trách nhiệm Chủ tịch PVN

Quá trình các luật sư xét hỏi nhằm làm rõ chi tiết vụ án, ông Đinh La Thăng luôn khẳng định, bản thân bị cáo tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng, tôn trọng quyền khai báo của các bị cáo khác đồng thời đề nghị HĐXX xem xét trên cơ sở quy định pháp luật.

Chiều 10/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư. Ông Đinh La Thăng được đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ các nội dung liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nói về việc 30% vốn rót vào dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là của PVN, ông Đinh La Thăng giải thích, quy mô vốn như thế thuộc trách nhiệm của Tổng Giám đốc chứ không phải Hội đồng thành viên và Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn.

“Liên quan đến công văn số 2126 xin ý kiến về việc ứng tiền cho PVC, bị cáo có nói chưa kịp đọc mà chuyển cho bị cáo Khánh giải quyết. Bị cáo Khánh là người phụ trách liên quan đến kỹ thuật chứ không phải phụ trách tài chính?” - luật sư đề nghị ông Thăng làm rõ.

Theo ông Thăng, trước đó, bị cáo đã khai báo đầy đủ. Các vấn đề liên quan tiền không thuộc trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV.

“Trong các văn bản đưa lên của PVPower, 2 lần đầu, tập đoàn nhận văn bản nhưng không giải quyết, lần thứ 3 bị cáo đọc sơ qua có mấy dòng kỹ thuật nên chuyển bị cáo Khánh giải quyết, chứ đọc kỹ thấy liên quan tài chính thì đã không chuyển bị cáo Khánh” - ông Thăng trình bày.

Về các lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) và Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban QLDA điện lực dầu khí Thái Bình 2) liên quan đến cuộc gặp trong phòng mình, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, bị cáo tôn trọng quyền khai báo của các bị cáo khác.

Được hỏi về nguồn vốn cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng cho biết, 30% là vốn của PVN, còn lại đi vay. 30% vốn này, theo ông Thăng, thuộc trách nhiệm của Tổng Giám đốc và các Phó TGĐ PVN, không thuộc trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV.

Luật sư đặt câu hỏi, trong trường hợp PVC không trả được nợ, làm ăn thua lỗ thì PVN có bị thiệt hại không? Theo bị cáo Thăng, trách nhiệm xác định tùy theo mức độ vốn đầu tư và đi vay.

“Doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm bảo toàn vốn được Nhà nước giao. PVN là tập đoàn 100% vốn Nhà nước nên nhiệm vụ là bảo toàn, phát triển vốn, thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. PVN cũng phải là công cụ điều tiết kinh tế của Chính phủ, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, PVN còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.” - ông Đinh La Thăng trình bày và cho biết, ông tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng.

“Mong HĐXX xem xét trên tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật. Có những điều là hiện tượng nhưng bản chất thì không hoàn toàn như vậy” - bị cáo Thăng nói.

Tiếp tục làm rõ việc chỉ định PVC làm tổng thầu, luật sư đặt câu hỏi, liệu hành vi “ưu ái” này có là trái pháp luật, có gây nguy hiểm cho xã hội không?

Bị cáo Thăng cho biết, PVN có nhiều công ty con. PVN xin chủ trương, cơ chế đẩy nhanh dịch vụ. PVN có nhiều công ty con làm dịch vụ và với trách nhiệm là công ty mẹ, PVN phải chăm lo cho công ty con chứ không phải ưu tiên.

Tác giả: Tiến Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP