Giới trẻ

Những nỗi lo lắng "khóc dở mếu dở" của bạn trẻ ngày Tết

Dịp Tết là khoảng thời gian được rất nhiều người mong ước, bởi được thư giãn sau một năm làm việc, được về với gia đình, đi chơi, ăn ngon, mặc đẹp... Nhưng với rất nhiều bạn trẻ, Tết lại là khoảng thời gian "hãi hùng", bởi rất nhiều lý do.

Đoàn Thị Tuyến – họa sĩ tự do tại TP Hồ Chí Minh

Mình hơi sợ dịp Tết, bởi mình làm việc freelancer nên thời gian này ít có việc, như vậy thu nhập sẽ sụt giảm. Dịp này, hàng hóa lại tăng giá, nên mình phải thắt chặt chi tiêu thì mới có thể sắm sửa đồ đạc phụ giúp gia đình được.

Tuy vậy, mình cũng mong Tết đến để được giải lao, những ngày đó mình thường về quê ở Tây Ninh, dành thời gian để gặp gỡ họ hàng, bạn bè, bàn về năm đã qua và các kế hoạch, mong muốn trong năm mới.

Mình cũng sợ nhất dịp Tết hay bị hỏi bao giờ lấy chồng, bị hỏi giờ lương bao nhiêu một tháng… đó là những câu hỏi rất “ám ảnh”.

Mình đã lớn, đã đi làm và có thu nhập nên cũng thường lì xì các em nhỏ hơn, và mình sợ khi lì xì tụi trẻ con, bị tụi nó ...chê ít sẽ mang lại những “vía” không may mắn.

Minh Ngọc – Khoa kế toán, Học viện Ngân hàng

Mình rất thích Tết vì cả năm có mỗi một dịp mà, nhưng mình cũng có khá nhiều niềm lo lắng khi những ngày này đang đến gần. Mình sợ nhất là phải nấu cỗ, rửa bát, sợ đang nghỉ quen thì phải đi học lại...

May mắn là người mình thuộc tạng gầy, nên ăn mấy cũng không sợ tăng cân. Mình cũng đã đến tuổi bị giục lấy chồng, nên đã “chuẩn bị” sẵn lời đáp rằng “Cháu còn đi học nên chưa tính đến chuyện đó!” rồi.

Theo mình thì những ý kiến cho rằng “Tết đang nhạt dần” là rất phiến diện. Ai thấy Tết nhạt là do bản thân họ thôi.

Bản thân mình thường dành thời gian này để đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm láng giềng, tụ tập bạn bè, thăm thầy cô giáo,... Bớt chơi game, bớt online, bớt chăm chú vào mạng xã hội..., tự khắc các bạn sẽ thấy quãng thời gian này rất đáng tận hưởng.

Bùi Hà Anh – lớp đạo diễn truyền hình K36 – ĐH Sân khấu điện ảnh

Điều em thấy sợ nhất mỗi dịp tết đến đó chính là bánh chưng. Bản thân em là một người rất thích ăn đồ nếp nên bánh chưng là một món ngon khiến em không thể cưỡng lại được, nhưng cơ thể em lại thuộc dạng dễ hấp thụ nên mỗi dịp tết đến là cân tăng vù vù, vô cùng đáng sợ.

Còn một điều nữa đó là em không còn được lì xì nữa, hồi bé rất mong đến tết vì sẽ được nhận mà giờ em đã lớn, không những không được lì xì mà còn phải đi lì xì lại mấy em nhỏ hơn nữa chứ!

Đinh Tùng Lâm –ĐH Giao thông vận tải

Mình thì vừa mong Tết, vừa có những niềm lo lắng riêng. Thích vì những ngày này, Hà Nội sẽ rất vắng lặng, mình đi cafe thư giãn trong lành,... Nhưng dịp Tết luôn rất nhiều việc phải làm, mình lại đang học năm cuối nên lại càng bận.

Thêm nữa, mình cảm thấy hơi “ớn” việc đi đâu cũng nghe thấy những giai điệu Happy New Year, Con bướm xuân, Ngày Tết quê em, Tết đến rồi... chúng được bật đi bật lại trong những ngày Tết, rất “ngán ngẩm”.

Phạm Phong Dinh – ĐH Mỹ thuật Công nghiệp TP Hồ Chí Minh

“Bao giờ có người yêu?”, “Chúc mừng năm mới”, “Đã có việc làm chưa, lương bao nhiêu…” là những câu hỏi mà mình sợ phải đối mặt nhất mỗi khi Tết đến. Mình đang là sinh viên năm cuối, nên quãng thời gian nghỉ Tết này mình dự định sẽ dành toàn bộ thời gian để tập trung cho bài tốt nghiệp. Đó cũng là “lý do chính đáng” nhất mà mình sẽ dùng để đáp lại những câu hỏi “truyền kiếp” kia.

Mình nghĩ Tết là dịp để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng sự bình yên, chứ không phải để ép nhau uống rượu và khề khà ngày qua ngày. Bởi vậy, mình rất ngại những buổi cỗ bàn, ăn uống linh đình, cả nhà trò chuyện ồn ào và khói thuốc lá mù mịt cả phòng khách. Những điều đó rất hại sức khỏa và tốn thời gian.

Tác giả: Hồng Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP