Giáo dục

Nhiều trường ĐH không xét tuyển bằng học bạ

Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường ĐH tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết. Nhiều trường ĐH tốp trên vừa thông báo từ chối xét tuyển bằng học bạ

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2024 với 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% chỉ tiêu và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

Bảo đảm công bằng cho thí sinh

Như vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Trong khi đó, vào các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ.

Học sinh lớp 12 dự chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Người Lao Động tổ chức năm 2023. Ảnh: QUANG LIÊM


GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, cho rằng việc xét tuyển ĐH căn cứ vào học bạ có thể "nhàn hạ" cho các trường nhưng khó bảo đảm công bằng. Trên thực tế, chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau giữa các địa phương nên đánh giá trong học bạ cũng khó tương đương nhau.

Trước việc nhiều trường tốp trên nói không với xét tuyển bằng học bạ, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng đây là điều bình thường. Một số trường có thể sử dụng hoặc không sử dụng một vài phương thức tuyển sinh nhất định cho các ngành đào tạo nhất định.

Đối với các trường ĐH, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần một kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.

Trường có đào tạo những ngành đặc thù cần các kỳ thi năng khiếu riêng… Trong khi đó, với trường ĐH đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được. Các em này cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.

Bà Thủy nhấn mạnh tuyển sinh dù bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm được chất lượng đầu vào của thí sinh, sao cho đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển.

Giải trình căn cứ khoa học về phương thức tuyển sinh

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường cần có phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Vừa qua, một số trường đã công bố các phân tích đối sánh và phân tích tương quan để xem xét phương thức tuyển sinh (ví dụ bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…) tương quan như thế nào với kết quả học tập của sinh viên khi vào học đại học. Kết quả phân tích này đưa đến việc các trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức... một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.

Nói thêm về phương thức tuyển sinh của các trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng kết quả tuyển sinh (số liệu, dữ liệu, so sánh, phân tích) của toàn hệ thống được Bộ GD-ĐT công bố trong hội nghị tuyển sinh hằng năm chính là căn cứ để các trường xem xét, cân nhắc điều chỉnh. "Trong hội nghị tuyển sinh cuối tháng 2, đầu tháng 3-2024, chúng tôi sẽ công bố số liệu tuyển sinh năm 2023 để các trường, thí sinh và toàn xã hội có thông tin nhằm có thể ra các quyết định phù hợp nhất" - bà Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, các trường cũng cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng những đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. Bà Thủy cho rằng đối với những trường quan tâm đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại nhiều hiệu quả, trong khi lại khó bảo đảm sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể làm một số thí sinh giỏi bỏ lỡ cơ hội khi các em đặt nguyện vọng trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.

"Các trường cần ưu tiên phân tích, so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc ĐH với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường" - bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH lưu ý các trường tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối đối với thí sinh.

Tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thông tin năm 2024 dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước.

Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển 4.130 chỉ tiêu cho cả trụ sở chính và hai cơ sở ở TP HCM, Quảng Ninh trong năm 2024, cao hơn năm ngoái 30 chỉ tiêu.

Trường ĐH Phenikaa thông báo tuyển 9.896 chỉ tiêu cho 48 ngành/chương trình đào tạo, tăng 2.228 chỉ tiêu so với năm 2023.

Tổng chỉ tiêu của Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2024 là 6.000, tăng 200 so với năm 2023. Trong đó, cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, Phân hiệu TP HCM là 1.500 chỉ tiêu.

Ở phía Nam, Trường ĐH Công Thương TP HCM cho biết dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2024 của trường là 7.000, tăng 2.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP