Tin địa phương

Nhiều tàu cá 67 hỏng, kém hiệu quả khiến ngư dân Quảng Bình mắc nợ tiền tỷ

Bên cạnh các tàu đánh bắt hải sản có hiệu quả hiện vẫn còn nhiều tàu của ngư dân tỉnh Quảng Bình hoạt động bị thua lỗ, khó có khả năng trả nợ ngân hàng.

Ngư dân Trương Ngọc Tú, chủ tàu cá vỏ thép QB 91568 ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, chiếc tàu của anh trị giá 16 tỷ đồng. Sau hơn một năm đưa vào hoạt động, hiện nhiều bộ phận trên tàu bị hư hỏng, gỉ sét, bong tróc sơn phải thay thế. Tàu phải nằm bờ nhiều ngày do thiếu bạn thuyền, chuyến biển gần đây lại bị mất một số ngư cụ nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, kỳ hạn trả nợ ngân hàng đã cận kề khiến ông Tú lo lắng:

“Ngư dân bị mất lưới nhiều lắm, báo với Ngân hàng và Bảo hiểm nhưng bên Bảo hiểm họ không chịu đền bù, họ bảo nếu mất lưới thì tự lo chịu. Rất khó cho ngư dân khi phía ngoài biển có hàng nghìn tàu bè qua lại, tàu hàng đi qua cũng cắt lưới ngư dân. Rồi duy tu, bảo dưỡng cũng không có, ngư dân làm chưa đủ trả nợ thì làm sao có đủ tiền bảo dưỡng tàu để đi biển lâu năm được. Chúng tôi đã cố gắng làm trả nợ ngân hàng được ngày nào thì tốt ngày đó”.

Tàu 67 của ngư dân bị hư hỏng, gỉ sét mà không có tiền để duy tu, sửa chữa.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Bình đã đóng mới 88 tàu cá, trong đó có 56 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép. Hiện địa phương này có 29 tàu cá hoạt động khá hiệu quả, chiếm tỷ lệ 33%; 36 tàu cá hoạt động hòa vốn, chiếm 41%, còn 23 tàu cá hoạt động thua lỗ, chiếm 26%.

Lo ngại nhất là 2 tàu cá vỏ thép, mỗi tàu trị giá hơn 10 tỷ đồng phải nằm bờ dài ngày. Đó là tàu của ông Ngô Xuân Cảnh ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch và tàu ông Nguyễn Phượng ở phường Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn. Năm 2017, khi đang đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một cơn bão quét qua đã cuốn sạch ngư cụ trên tàu cá của ngư dân Ngô Xuân Cảnh. Để tiếp tục ra biển, ông Cảnh phải bỏ ra 5 tỷ đồng để mua lại ngư cụ cần thiết.

Việc mất mát tài sản của ông Cảnh không thuộc diện được bảo hiểm chi trả nên ngư dân này lâm vào cảnh khó khăn. Còn trên tàu của ngư dân Nguyễn Phượng thì ngư cụ không phù hợp với tập quán đánh bắt dẫn đến thua lỗ.

Con tàu nằm bờ dài ngày khiến ngư dân Quảng Bình có nguy cơ ôm một đống nợ lớn.


Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, 14 ngư dân ở xã biển Bảo Ninh vừa có đơn kiến nghị xin giãn thời gian trả nợ tàu từ 15 năm lên 20 năm. Hiện nay, mỗi chủ tàu phải trả nợ cả gốc lẫn lãi hơn 1 tỷ đồng trong vòng một năm. Theo ông Bình, đây là khoản tiền nợ khá lớn đối với ngư dân.

“Một số tàu do ngư trường khai thác, nguồn lợi hải sản bị hạn chế nên các chủ tàu làm ăn thua lỗ, chưa có hiệu quả. Chúng tôi đang tiếp tục động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển, qua đây mong rằng các cấp, các ngành có chủ trương tạo điều kiện giúp đỡ thêm cho các đội tàu 67”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng chục tàu cá 67 của ngư dân tỉnh Quảng Bình hoạt động kém hiệu quả. Trước hết, do khâu thiết kế chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân, phải điều chỉnh nhiều lần và chất lượng một số tàu chưa đảm bảo. Quy định của bảo hiểm về bồi thường ngư cụ cho ngư dân cũng còn nhiều bất cập.

Theo quy định, bảo hiểm chỉ bồi thường ngư cụ trong trường hợp cả tàu cá lẫn ngư cụ bị chìm hoặc mất tích. Thế nhưng trên thực tế, nhiều ngư dân bị mất ngư cụ do thiên tai, do va chạm trên biển và con tàu vẫn trở về đất liền. Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương kiến nghị lên Trung ương xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá bị hư hỏng. Các sự cố bất khả kháng như, chủ tàu bị bệnh dài ngày, tàu bị tai nạn dẫn đến dừng hoạt động trong thời gian dài thì cần được xem xét cho giãn nợ.

“Sản xuất khai thác thủy sản theo mùa vụ, theo con nước, trong khi hợp đồng tín dụng có thời hạn trả lãi nhất định. Một vài chuyến biển hiệu quả không cao thì ngư dân trả lãi không đúng định kỳ. Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngư dân, trong đó có kiến nghị giãn nợ, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, giao cho Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh Quảng Bình có đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ”, ông Hoàng Viết Thông cho hay./.

Tác giả: CTV Thanh Tuấn

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP