Trong nước

Nhiều sai phạm về bổ nhiệm cán bộ chưa được xử lý

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, trong đó vấn đề cán bộ được coi là trọng tâm. Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng đề án về phân cấp quản lý cán bộ. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, thành viên tham gia đoàn giám sát bộ máy hành chính tại các địa phương trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Qua kinh nghiệm thực tế, đặc biệt từng là được Trung ương luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông thấy bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay ra sao?

Dù đã đưa ra nhiều chủ trương chính sách, nhưng bộ máy của chúng ta còn quá cồng kềnh, dẫn đến chi thường xuyên quá lớn. Trước đây, có ý kiến đưa ra con số 30% người trong bộ máy hành chính “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”. Tuy nhiên, theo tôi tỷ lệ đó có thể còn cao hơn, bộ máy cứ “bóp trên lại phình dưới”, giảm chỗ này lại tăng chỗ khác.

Hiện nay tồn tại tình trạng người có trình độ, năng lực lại không được đề bạt, cất nhắc vì không “thuộc vây cánh”, hoặc “chưa đủ đô”. Họ bị trù dập, trù úm, thậm chí bị gạt ra ngoài. Những kẻ tham quyền, cố vị hoặc là lộng quyền, tự tung, tự tác, hoặc thông qua “đường dây quyền lực” với mọi thủ đoạn tinh vi để ngăn chặn, o bế hiền tài.

Muốn đất nước phát triển đột phá, điều quan trọng nhất là phải biết trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công tác cán bộ đang có vấn đề báo động. Đó là hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. Đầu tiên là con cháu, họ hàng, sau đó là tiền, là đệ tử và sau nữa là gửi gắm, trao đổi, có đi, có lại. Một ê kíp “lợi ích nhóm” theo nghĩa xấu phát triển rất nhanh và gần đây, trong nhân dân đang lan truyền câu vè theo trật tự ưu tiên: “Nhất trực hệ, nhị tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ”. Như vậy thì người tài làm gì còn chỗ đứng?

Thực tế cho thấy, có nhiều vị được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt, nhưng nói ra không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra, thì ngôn ngữ chuyển động lung tung, chẳng theo một thứ logic nào. Có người hay rao giảng đạo đức cao đẹp, nhưng nếu cấp dưới không mang tiền, quà đút lót, thì chẳng được lọt vào tầm ngắm. Loại người ấy lại thường thiếu gan chịu trách nhiệm trước công việc, khi có sai phạm thì đổ lỗi cho cơ chế, do tập thể hoặc tại cấp dưới.

Với năng lực và phẩm hạnh như vậy mà đảm nhận chức vụ lãnh đạo, điều hành thì chỉ có rối loạn! Tôi rất tiếc trong việc sửa đổi Bộ luật hình sự lần này thiếu chế tài nghiêm khắc trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu, đề cử, tiến cử đến việc thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm. Nhẽ ra, trong lĩnh vực quan trọng này, nếu cá nhân nào sai phạm, cố ý làm trái thì phải trừng trị bằng luật hình, để họ thấy “chỉ giới đỏ” mà sợ, không dám làm liều.

Được biết, khi gửi thư góp ý dự thảo phân cấp quản lý cán bộ, ông đã đề xuất phương án phân loại thành nhiều cấp để sử dụng hiệu quả hơn?

Theo tôi, nhân tài cần phải được phân loại theo 6 lĩnh vực cụ thể về chính trị, quản lý, điều hành, khoa học, chuyên môn và văn hóa, nghệ thuật. Chẳng hạn, nhân tài trong chính trị là những người xuất chúng, có tư duy ở tầm tư tưởng, có tầm nhìn xa, trông rộng, có khả năng khởi xướng chính sách và tạo cảm hứng cho muôn người đi theo. Hay nhân tài trong quản lý là những người biết cụ thể hóa tư tưởng chính trị thành những chính sách cụ thể, những quy tắc xử sự phù hợp để triển khai các mục tiêu, định hướng trở thành hiện thực.

Phân loại được 6 nhóm nhân tài như vậy sẽ là cơ sở để bố trí nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo sở trường, sở đoản của từng người. Ví như sử dụng các loại gỗ vào việc dựng nhà, gỗ lim thuộc nhóm gỗ tốt thì dùng làm trụ cột, còn tre, nứa thì làm phên dậu. “Dụng nhân như dụng mộc” là vậy. Trên thực tế, chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc trọng dụng nhân tài. Đôi khi, vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, vì tính đại diện mà xem nhẹ chất lượng cán bộ.

Thưa ông, lâu nay chúng ta đã ban hành nhiều chính sách trọng dụng nhân tài, thậm chí còn thi tuyển các chức danh để chiêu hiền đãi sĩ?

Lâu nay, chính sách trọng dụng nhân tài ở nước ta mới chỉ được tiến hành một cách riêng lẻ, chưa đồng bộ, như muối bỏ bể và thường rơi vào thinh không. Trong xã hội, trong bộ máy chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng hành lang pháp lý thực sự minh bạch để nhân tài đường hoàng bước ra phò dân, giúp nước chưa đủ, chưa đúng và chưa trúng.

Nếu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực sự có “tài trí và tâm can”, thì chính họ sẽ có cách để chiêu hiền, đãi sĩ. Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy rằng, chỉ có nhân tài mới nhận ra nhân tài. Lẽ thường ấy cũng được thể hiện qua những câu châm ngôn, như “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hay “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Chính sách trọng dụng nhân tài ở nước ta mới chỉ được tiến hành một cách riêng lẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bổ nhiệm người nhà: Còn nhiều nơi chưa “sờ” đến

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ đưa ra con số: Trong 9 tỉnh thành phố có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà. Ông thấy sao về con số này?

Trước hết, con số báo cáo của Chính phủ là con số chính thức. Khi kiểm tra 9 tỉnh thì có 58 người thuộc “dòng dõi quan lại” thời nay. Đúng như câu vè dân gian lâu nay xôn xao: “Nhất trực hệ, nhị tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ”. Trước đây, người ta nói tứ là trí tuệ, nhưng gần đây câu vè điều chỉnh lại, trí tuệ bị gạt ra ngoài!

Con số 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà nếu như so sánh với số lượng chức danh lãnh đạo tại 9 địa phương thì quá nhỏ, bởi còn nhiều bộ, ngành ở trung ương và nhiều địa phương khác chưa được “sờ” tới. Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ đưa vào báo cáo của Chính phủ đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng quyền lực hiện nay.

Vấn đề bổ nhiệm nhân sự có tình trạng “thao túng” là tuỳ nơi, tuỳ người đứng đầu. Người đứng đầu mà trí minh, tâm sáng thì dẫn cả tập thể theo đúng đường lối, chủ trương. Ngược lại, nếu người đứng đầu luôn hướng lợi ích đến trước hết là bản thân, cho lợi ích nhóm, cho gia đình, dòng tộc trong việc bổ nhiệm cán bộ, thì đó là mối nguy vô cùng lớn đối với đất nước.

Vậy theo ông cần phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này bằng giải pháp căn cơ nào?

Để khắc phục tệ trạng này, trước hết, cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh làm sao cho những ai tài hèn đức mọn thấy bộ tiêu chí ấy thì không thể, không muốn và không dám có tham vọng làm quan, mà có dùng tiền cũng không mua được.

Thứ nữa, phải có cơ chế thi tuyển minh bạch đối với các chức danh bổ nhiệm, có cơ chế tranh cử đối với các chức danh bầu cử bằng cương lĩnh, chương trình hành động thuyết phục. Bên cạnh đó, cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan.

Phải trừng trị những người nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân trao cho họ, không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được.

Cảm ơn ông.

Tác giả: THÀNH NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP