Tin địa phương

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nguy cơ mất an toàn

Ngày 22-10, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận những thiệt hại về người, tài sản do áp thấp nhiệt đới sau bão số 7 gây ra tại địa phương.

Chiều 22-10, ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, chính quyền địa phương và người dân đã tìm thấy thi thể người đàn ông bị rơi xuống ngầm tràn Cây Bươu, thuộc bản Lương Năng.

Nạn nhân là anh Đinh Xuân Toàn (sinh năm 1983) bị nạn trong đêm 21-10. Cụ thể, trên đường đi làm nghề khai thác keo thuê về, chạy xe máy đến đoạn ngầm tràn nói trên thì cả người và xe bị rơi xuống ngầm, khi đó trời đang mưa to, nước dâng cao. Nhận được tin báo, chính quyền xã Hóa Sơn đã huy động lực lượng cùng người dân địa phương tổ chức tìm kiếm. Đến 6 giờ 20 phút sáng 22-10, lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể anh Toàn nằm cách ngầm tràn hơn 1km. Chính quyền địa phương và gia đình tổ chức mai táng cho anh Toàn theo phong tục địa phương. Được biết, hoàn cảnh gia đình anh Toàn là hộ cận nghèo, có 3 con nhỏ, vừa được hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà "Đại đoàn kết".

Như vậy, áp thấp nhiệt đới sau bão số 7 diễn ra từ ngày 16-10 đến nay đã khiến 5 người bị nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó 4 người đã tử vong và tìm thấy thi thể, 1 người đang mất tích tại khu vực biên giới huyện Quảng Ninh.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Phong, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Quảng Ninh, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: Vừa qua trên địa bàn huyện xảy ra tổng cộng 2 vụ mất tích về người liên quan đến sự cố thiên tai.

Ban CHQS huyện đã kết hợp với lực lượng từng địa phương có người mất tích tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; triển khai 1 xuồng máy kết hợp với xuồng của Ban CHQS các xã, thị trấn tìm kiếm dọc bờ sông Nhật Lệ, sông Long Đại. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy 1 thi thể tại xã Trường Sơn và tiếp tục tìm kiếm người mất tích còn lại ở xã Hàm Ninh.

Cán bộ, chiến sĩ luôn coi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nhân dân là mệnh lệnh của trái tim nên đã không quản ngại vất vả, nguy hiểm thực nhiệm vụ, dù thời tiết tiếp tục diễn biến xấu gây thêm nhiều khó khăn.

Ban CHQS huyện Quảng Ninh triển khai xuồng máy để tìm kiếm nạn nhân mất tích dọc bờ sông Nhật Lệ và Long Đại.

Trung tá Nguyễn Văn Phong chia sẻ thêm, trong thời gian này, lực lượng của Ban CHQS huyện Quảng Ninh cũng phân tán để thực hiện các nhiệm vụ như trực tại khu cách ly tập trung người về từ TP Hồ Chí Minh; chuẩn bị cho diễn tập, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội... Khối lượng công việc tuy nhiều nhưng không chỉ riêng Ban CHQS huyện Quảng Ninh mà tất cả lực lượng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cũng ưu tiên nhiệm vụ PCTT, TKCN lên hàng đầu.

Còn tại TP Đồng Hới, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận sự cố sập hơn 100m công trình kè biển Nhật Lệ thuộc xã Quang Phú. Tổng chiều dài công trình gần 900m do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội - Quảng Bình thiết kế; hai đơn vị thi công là Công ty Hải Thành và Công ty Tiến Thành. Được xây dựng từ năm 2020 đến nay, công trình có vai trò quan trọng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển Nhật Lệ với tổng giá trị xây dựng khoảng 26 tỷ đồng.

Công trình được thiết kế chống chịu bão cấp 10, tuy nhiên trong diễn biến áp thấp nhiệt đới sau bão số 7 vừa qua, công trình đã bị sóng đánh nứt, sập lún nhiều đoạn. Theo người dân sinh sống gần khu vực công trình bị sập, công trình đang trong giai đoạn nghiệm thu, nhưng đã 2 lần bị sóng đánh sập.

Công trình kè biển Nhật Lệ tại xã Quang Phú, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bị sóng đánh sập, hư hỏng nặng.

Cũng trong ngày 22-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ra Công điện số 15/CĐ-VPTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, các Bộ, ngành triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với diễn biến mưa lũ từ Quảng Bình đến Bình Định.

Công điện nêu rõ: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 22 đến 25-10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to lượng mưa 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt, lũ trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Vu Gia (Quảng Nam) và các sông ở Quảng Ngãi lên báo động 2- báo động 3 (BĐ2-BĐ3), có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi và ngập úng khu vực trũng thấp.

Trong công điện yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt, chia cắt.

Rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn…

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nước lũ đã rút và không xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Tuy nhiên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn, do đất đã ngậm no nước sau trận mưa lũ lớn vừa diễn ra dễ gây sạt lở. Tính mạng, tài sản của con người đều trở nên vô cùng mong manh trước diễn biến khó lường của thiên tai và trong lúc nguy nan sẽ luôn có những người lính Bộ đội Cụ Hồ và những đảng viên trong bộ máy chính quyền địa phương đi đầu, sát cánh cùng nhân dân.

Tuy vậy, mỗi người dân cần chủ động nắm bắt các thông tin, thực hiện nghiêm các cảnh báo, hướng dẫn từ cơ quan chức năng để chủ động trong mọi tình huống để hạn chế thấp nhất xảy ra những sự cố đau thương. Mỗi khi thiên tai ập vào miền Trung, cả nước lại đều cùng chung nhịp đập trái tim, dõi về khúc ruột thương yêu.

Tác giả: THANH HÀ - CHIỂN HUY - THƯỚC HIẾU

Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP