Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan là "tư lệnh" ngành thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn các nội dung như bảo đảm thuốc, vật tư y tế; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; quản lý thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm…
Nên có nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử
Nêu chất vấn đầu tiên, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nói thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đánh giá về thực trạng này và giải pháp kiểm soát tình hình?
Dẫn số liệu điều tra tại 34 tỉnh, thành vào năm 2020, Bộ trưởng cho biết tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18%. Cụ thể, tỉ lệ tập trung cao nhất từ 15-24 tuổi, với 7,3%. Kết quả điều tra cho thấy nhu cầu và sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái, tăng lên.
Theo "tư lệnh" ngành y tế, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Những ảnh hưởng và tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được báo cáo đánh giá tác động chi tiết trình Chính phủ.
Tại phiên họp Quốc hội (QH) giả định, 100% học sinh tham gia đã đồng ý việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử. "Là cơ quan bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của QH về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi sửa đổi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới" - bà Đào Hồng Lan đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mang cả thuốc lá điện tử vào nghị trường để dẫn chứng về tác hại của thuốc lá này đối với giới treẢ̉nh: HỒ LONG |
Được chủ tọa điều hành mời tham gia làm rõ thêm vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định từ đầu nhiệm kỳ này, Bộ Công Thương cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, rằng đã là sản phẩm có hại cho sức khỏe thì phải cấm. Ông đề xuất QH, Chính phủ sớm ban hành chính sách, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, rõ ràng. Trước mắt, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Quảng cáo phóng đại thực phẩm chức năng
Về quản lý thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường mà ĐB Dương Tuấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận trong thực tiễn có lách quy định của luật buôn bán thực phẩm giả, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.
Còn ĐB Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, nói tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng khiến cử tri vô cùng lo lắng, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp. Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ Luật Hình sự đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất - kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.
Tuy nhiên, theo bà Đào Hồng Lan, do lợi nhuận cao từ việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả đã khiến tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng cáo phóng đại công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu thực phẩm chức năng giả qua biên giới cũng là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã công khai danh sách các DN được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Đồng thời, bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.
Trả lời chất vấn của ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) về quản lý thực phẩm chức năng là hàng "xách tay", Bộ trưởng cho biết sản phẩm này nếu mang về dùng cá nhân thì không quản lý nhưng nếu mang về bán lại thì điều kiện kinh doanh phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm và sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Triển khai nhiều chính sách "giữ chân" nhân viên y tế Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) về việc sau khi được đào tạo, nhiều bác sĩ sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo để chuyển sang các bệnh viện tư. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội của người khác cũng như ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự của các cơ sở y tế công lập. Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cung cấp thông tin năm 2022 có hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Hiện nay đội ngũ nhân viên y tế công lập chiếm 95% trong tổng nhân lực ngành y tế. Để giữ chân, nhiều chính sách, giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương triển khai thực hiện. |
Tác giả: Văn Duẩn - Ngọc Dung - Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người Lao động