Du lịch

Nhãn tím ngày càng hút khách

Nhãn tím – một loại trái cây “độc” ở ĐBSCL do có màu sắc đặc biệt- đang được khách phương xa tìm mua trái về ăn và cây giống về trồng với giá lên đến 1 triệu đồng/cây.


Nhãn tím tại vườn nhà ông Huy. Ảnh: Chí Quốc

Hiện nhãn tím chỉ có nhiều ở cù lao Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng), được bán với giá 100.000 đồng/kg tại vườn.

Của “trời cho”

Người có công “khai sinh” ra giống nhãn tím là ông Trần Văn Huy – một nông dân ở cù lao Phong Nẫm và việc “ra đời” của giống nhãn này cũng thật ngẫu nhiên. Ông Huy cho biết hơn sáu năm trước, tình cờ ông phát hiện cây nhãn long trong vườn nhà ông có một nhánh có lá màu đỏ, sau đó nở nhụy thấy có màu hơi tím và trái cũng tím tương tự.

Thấy lạ, ông chiết nhánh này để trồng thử xem sao thì không ngờ cây nhãn từ nhánh chiết đó cho ra trái nhãn tím. Ông cũng không hiểu tại sao lại có giống kỳ lạ như vậy nhưng vẫn quyết định qua mỗi mùa là chiết nhánh ra để trồng, phát triển thêm vườn nhãn tím của mình.


Nhãn tím tại vườn nhà ông Huy. Ảnh: Chí Quốc

Tuy nhiên, giống nhãn tím chỉ được “nổi tiếng” vào năm 2012 khi chính quyền xã Phong Nẫm đề nghị ông Huy mang sản phẩm sang tham gia lễ hội sông nước miệt vườn ở huyện Kế Sách. Loại trái cây có màu lạ nhanh chóng bắt mắt du khách cũng như các nhà khoa học tại lễ hội này và sau đó nhiều người mới tìm đến vườn nhà ông Huy để mục sở thị và tìm mua. Theo ông Huy, thời điểm đó mỗi ngày luôn có hai ba đoàn khách ở khắp nơi tới nhà để xem và tìm mua nhãn tím.

Hiện dù đã không còn “sốt” như trước đây nhưng mỗi ngày đều có khách khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và nhiều tỉnh thành ở miền Tây đến tham quan, mua nhãn và cây giống về trồng. Nhìn số cây giống vừa được chiết cành ươm trước nhà, ông Huy không giấu “Mấy ngày nữa tui bán hết số này cho một khách hàng ở Hải Phòng đặt mua. Hiện tui sống nhờ bán cây giống thôi chứ bán nhãn tím không nhiều. Mỗi năm bình quân tui cũng chiết và bán được khoảng 150 cây giống”.

Phát triển vườn du lịch sinh thái

Ông Nguyễn Văn Khen, phó chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, cho biết ngoài màu tím bên ngoài vỏ, quá trình sinh trưởng, phát triển và chất lượng của nhãn tím tương tự như giống nhãn long bình thường.

Lúc đầu khi nhiều người chưa biết đến thì giá bán không cao nhưng gần đây chính quyền xã có hỗ trợ quảng bá, giới thiệu để nhiều người biết đến thì nhãn này đã có thương hiệu, được ông Huy bán tại vườn với giá 100.000 đồng/kg.


Nhãn tím tại vườn nhà ông Huy. Ảnh: Chí Quốc

Theo ông Khen, dù là loại nhãn “độc” do màu sắc khác thường nhưng hiện tại người trồng nhãn này chưa nhiều mà chỉ có gia đình ông Huy và một vài người em của ông trồng. Xã đang lập đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, trong đó có kêu gọi nhà đầu tư đến đầu tư khu du lịch sinh thái gắn với vùng trồng nhãn tím. Trước mắt xã cũng vận động bà con nhân rộng mô hình trồng nhãn này bởi cho thu nhập tốt, sau đó có điều kiện thì phát triển du lịch sinh thái.

Thạc sĩ Đào Thị Bé Bảy (Viện Cây ăn quả miền Nam), cho biết một lần dự hội chợ, bà có lấy mẫu nhãn tím về nghiên cứu thì thấy ngoài màu tím, đẹp thì nhãn tím cũng giống như nhãn long. Nhãn này có cơm mỏng, hạt to, nhiều nước. Do thấy nhãn này cũng bình thường nên không đi sâu nghiên cứu tình trạng sinh trưởng của cây cũng như không đưa ra khuyến cáo về việc trồng loại nhãn này.

Tác giả bài viết: Chí Quốc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP