Thế giới

Nhà hàng Triều Tiên vẫn hoạt động ở Campuchia bất chấp lệnh cấm vận

Ít nhất ba nhà hàng Triều Tiên đang mở cửa tại thủ đô Campuchia nhiều tháng sau khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc có hiệu lực.

Một nhà hàng Triều Tiên ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: MTB.

Ba nhà hàng với biển hiệu đều có chữ Bình Nhưỡng vẫn đang đón khách bình thường tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, theo Bloomberg. Nhân viên tại đây là người Triều Tiên, phục vụ các đặc sản từ quốc gia Đông Á như rượu việt quất hay nhân sâm.

Hoạt động của những nhà hàng này, vốn bị coi là nằm trong mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu mang lại lợi nhuận cho Triều Tiên nhiều năm qua, nằm trong diện điều chỉnh của lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9/2017 để đáp trả hành động thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.

Lệnh trừng phạt yêu cầu các doanh nghiệp như trên phải đóng cửa trước ngày 9/1, đồng thời cấm các tổ chức nước ngoài hợp tác hoặc liên doanh với phía Triều Tiên. Nhưng lệnh cấm dường như chưa tác động đến việc kinh doanh tại ba nhà hàng ở thủ đô Campuchia.

Các nhân viên phục vụ tại ba nhà hàng đều đeo bảng tên có màu đỏ và xanh giống cờ Triều Tiên, còn tên của họ in màu trắng, nằm ở vị trí ngôi sao. Nhân viên nữ có cùng kiểu giày và kiểu tóc. Ngoài phục vụ đồ ăn, họ còn hát, chơi nhạc và nhảy múa. Trên trang web đánh giá du lịch TripAdvisor, một du khách từng đến nhà hàng Triều Tiên ở Siem Reap khuyến khích mọi người "trải nghiệm sự tương tác với người Triều Tiên".

Các nữ nhân viên biểu diễn âm nhạc trong một nhà hàng Triều Tiên ở Phnom Penh. Ảnh: Slate.

Nhà hàng Truyền thống Bình Nhưỡng nằm trong một khu phố có nhiều đại sứ quán ở Phnom Penh. Nơi đây có khoảng chục bồi bàn phục vụ các món ăn như bibimbap, mì kiều mạch lạnh. Các sản phẩm và tạp chí của Triều Tiên được bán trên kệ gần lối vào.

Một nhà hàng khác là Unhasu Bình Nhưỡng nằm ở phía tây bắc thủ đô Campuchia có khăn trải bàn màu vàng sáng, chỗ ngồi đủ cho 200 người. Những cô gái trẻ đứng ngoài cửa để chào đón khách hàng. Thực đơn của quán có bia và rượu làm từ việt quất hái trong rừng Paektu ở Triều Tiên. Nhà hàng thứ ba ở Phnom Penh có tên Arirang Bình Nhưỡng, nằm trên con phố nhộn nhịp ngay gần một số cơ quan chính phủ.

Chỉ nhận thanh toán tiền mặt

Các nhân viên tại ba nhà hàng đều từ chối tiết lộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh sẽ tới tay ai. Vào thời điểm hưng thịnh nhất, chuỗi nhà hàng này có hơn 100 cơ sở tại khắp nơi như Trung Quốc, Đông Nam Á, Nga và Đông Âu. 8 nhà hàng kiểu này đã hoạt động tại Campuchia vào năm 2015, theo Phnom Penh Post. Kim Byung-yeon, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, cho biết các nhà hàng Triều Tiên chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt.

"Tất cả nhà hàng tại nước ngoài đều được điều hành bởi một trong các cơ quan của nhà nước, có thể là đảng, quân đội, nội các, hoặc chính quyền địa phương", ông Kim chia sẻ. "Nhân viên được chọn dựa vào tuổi tác, nhan sắc, kỹ năng hát. Họ không nhất thiết phải là đảng viên, nhưng phải kiếm tiền về cho nhà nước".

Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, có tới 60.000 người Triều Tiên đang làm việc tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.

"Doanh thu từ các nhà hàng Triều Tiên và người lao động ở nước ngoài được gửi về đất nước họ, có thể được dùng cho các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân", theo Anthony Ruggiero, nhân viên cấp cao tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở Washington, người từng điều tra vấn đề tài chính bất hợp pháp ở Triều Tiên.

"Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc yêu cầu các quốc gia đóng băng tài sản và nguồn lực dùng để hỗ trợ các chương trình vũ khí", ông nói thêm. Quy định cũng yêu cầu người lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải hồi hương ngay lập tức, trước tháng 12/2019.

Tuy nhiên, Campuchia và Triều Tiên từ lâu có "mối quan hệ đặc biệt". Cố vương Campuchia Norodom Sihanouk từng coi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành là người bạn thân thiết. Sihanouk có một dinh thự ở Bình Nhưỡng, thường tới địa điểm này bằng máy bay của hãng hàng không Air Koryo và được vệ sĩ Triều Tiên hộ tống.

Các nữ bồi bàn phục vụ khách trong một nhà hàng Triều Tiên tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: Imagine China.

Dù lệnh trừng phạt Triều Tiên đã được ban hành, việc thi hành nó vẫn là một thách thức lớn. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an hồi tháng 2, nhà ngoại giao người Hà Lan Jan Gustaaf van Oosterom cho biết nhiều quốc gia vẫn chưa đệ trình báo cáo về việc thực thi lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith cho biết nước này đã thực hiện đúng quy định của Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng thúc đẩy các nước tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc để duy trì áp lực tối đa với Triều Tiên, ngay cả khi lãnh đạo Kim Jong-un đã đề nghị đàm phán về chương trình hạt nhân. Hai lãnh đạo dự kiến gặp mặt tại Singapore vào ngày 12/6 nhằm đạt được thỏa thuận chung về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, dù có những hoài nghi về kết quả hội nghị này.

Tác giả: Ánh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP