Giáo dục

Nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề!

Tại hội thảo góp ý các nội dung về chính sách nhà giáo trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi (sáng 10.1), nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm công tác giảng dạy nói chung để quản lý nghề nghiệp rất đặc thù này.

Ông Lê Quán Tần

Ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, đề xuất về quy định cấp chứng chỉ hành nghề dạy học và được nhiều đại biểu đồng tình. ẢNH: THANH HÙNG

Không có cơ chế nào rút phép khi nhà giáo vi phạm

Ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, nhận định ông chưa nhìn thấy cải tiến thực sự trong chính sách về nhà giáo trong dự thảo luật. “Sửa luật lần này tôi quan tâm tới câu hỏi: Có hay không có chứng chỉ hành nghề dạy học?”, ông Tần nói và cho rằng chứng chỉ hành nghề dạy học là rất quan trọng, những nước có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản đã áp dụng cấp chứng chỉ này cho những người thực sự đạt yêu cầu. “Về những cái tát của giáo viên (GV) với học sinh của mình thời gian qua, nếu có chứng chỉ hành nghề thì GV đó lập tức sẽ bị rút chứng chỉ ngay”, ông Tần nói.

Đề xuất về quy định cấp chứng chỉ hành nghề dạy học của ông Tần được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Cao Ngọc Châu, hội viên Hội Cựu giáo chức VN, cho rằng rất cần có chứng chỉ nghề nghiệp dạy học.

Theo ông Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, những vụ việc bạo hành của GV thời gian qua với học sinh không phải là khuyết điểm của từng cá nhân nhà giáo mà phải xem lại cơ chế quản lý nhà giáo của chúng ta hiện nay. Chúng ta không có cơ chế nào “rút phép thông công” khi nhà giáo vi phạm, cứ dạy học là thành nhà giáo.

Lương xác định theo vị trí tôn vinh của xã hội

Vấn đề lương và chính sách cho nhà giáo, theo dự thảo luật đang được xin ý kiến góp ý, nhà giáo được “ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, quy định này được nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn quá chung chung và khó cải thiện được đồng lương của GV.

Ông Trần Kim Tự, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho rằng theo quy định thì đến năm 2021 GV không còn phụ cấp thâm niên nữa, điều này đặt ra một bài toán kỹ thuật rất khó: Bỏ thâm niên nhưng nguyên tắc làm lương mới không được thấp hơn lương cũ. Phải tính toán phụ cấp ưu đãi nghề như thế nào cho phù hợp?

Ông Nguyễn Mậu Bành nhận định, lương GV trải qua các thời kỳ thăng trầm, nếu bỏ cả phụ cấp thâm niên thì không biết “trôi nổi” đến mức nào. Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, bày tỏ băn khoăn nhiều về lương nhà giáo và đề nghị thay vì quy định chung chung thì nên đưa vào thang bảng lương theo sự tôn vinh của xã hội và đặc thù nghề thì mới có thể đấu tranh về lương cho nhà giáo được.

Ông Nguyễn Trí, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD-ĐT, nhận xét cách viết trong dự thảo lần này về lương GV cũng gần giống như năm 1990 nên sẽ rất khó để nâng lương nhà giáo. “Cần xác định lương GV phù hợp với vị trí tôn vinh của xã hội. Nhà giáo là nghề cao quý thì lương nhà giáo phải cao nhất, còn ghi theo đặc điểm nghề nghiệp thì sẽ bị “cãi” ngay nếu so sánh nghề này với nghề lao động chân tay thì rõ ràng nhàn hạ, ăn trắng mặt trơn hơn…”, ông Trí nói.

Tại sao có "trường công chất lượng cao"?

Chiều cùng ngày, tại buổi tọa đàm lấy ý kiến của học sinh (HS) về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều HS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị phải tôn trọng cá tính, suy nghĩ của học trò, bớt việc học lý thuyết quá nhiều. Đặc biệt, nhiều HS lên tiếng phản ứng việc tại sao lại tồn tại hệ thống trường công lập chất lượng cao.

Dự thảo luật dự kiến không quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao công lập để đảm bảo thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, trong luật Thủ đô hiện hành thì Hà Nội được phép xây dựng các trường công lập chất lượng cao, thu học phí cao.

Thúy Hiền, HS lớp 11 Văn của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nêu quan điểm không đồng ý tồn tại hệ thống trường công lập chất lượng cao dù ở tỉnh thành nào. “Tại sao lại có sự phân biệt khi cùng học ở trường công mà có HS lại được học chất lượng cao hơn còn HS khác thì không?”, Hiền đặt câu hỏi. HS này cũng bày tỏ lo lắng về sự tồn tại của trường chuyên với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng liệu mục tiêu này có đạt được không khi HS tốt nghiệp trường chuyên chủ yếu đi du học hoặc học tiếp lên ĐH và đi làm không đúng với môn chuyên ở trường phổ thông?

Một HS khác của lớp chuyên văn đề nghị: “Tại sao không giải quyết vấn đề này bằng cách nhà nước đầu tư vào các trường công lập để tất cả các trường đều là trường chất lượng cao chứ không nên phân biệt trường công chất lượng cao, trường thì không”.

Quan tâm tới việc cần phải tôn trọng sự khác biệt của từng HS, một HS đề nghị khi sửa luật Giáo dục còn cần chú ý tới chất lượng đào tạo các thầy cô giáo, không chỉ về chuyên môn mà cần cả những kỹ năng khác. “Làm GV thì không chỉ dạy kiến thức mà cần tôn trọng cá tính của học trò. Thầy cô đừng bắt HS ở trong khuôn khổ quá lâu khiến các em bị cảm giác kìm kẹp”, HS này nói.

Vấn đề phân biệt giới tính cũng được HS quan tâm đặt ra.

Tác giả: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP