Kinh tế

Nguồn thu thuế thương mại điện tử sẽ 'phá đỉnh'

Với sự thay đổi về chính sách và công nghệ, nguồn thu thuế từ thương mại điện tử dự báo tiếp tục 'phá đỉnh' trong năm 2025.

Chống thất thu, phá mốc kỷ lục

Thời gian qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngân hàng thương mại thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.

Việc tổng hợp dữ liệu đã làm giàu cơ sở dữ liệu về hoạt động và mô hình kinh doanh thương mại điện tử. Đây là cơ sở để cơ quan thuế từng bước quản lý toàn diện hoạt động thương mại điện tử của ngành thuế, tăng nguồn thu và chống thất thu thuế thương mại điện tử.

Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm nay, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, Tổng cục Thuế đã ghi nhận 116 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Meta, Netflix, TikTok… đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhóm này.

Báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 39 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số và Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thuế vẫn thất thu, do số tiền nộp thuế từ những “ông lớn” như Google, Amazon... chưa tương xứng doanh thu và bỏ sót nhiều trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội.

Cùng với quy mô ngày càng gia tăng, dự kiến nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử trong năm 2025 tiếp tục “phá đỉnh”, bởi sẽ có một số chính sách thay đổi để kiểm soát nguồn thu chặt chẽ hơn. Cùng với đó là sự gia tăng ứng dụng công nghệ của Bộ Tài chính cho hoạt động thu thuế thương mại điện tử.

Gia tăng nguồn thu

Tháng 11/2024, tại kỳ họp Quốc hội, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ ra mắt một công cụ dùng AI để kiểm soát những vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), Tổng cục Thuế đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Đây là kênh hữu hiệu hỗ trợ các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và trên nền tảng số, được triển khai làm 2 giai đoạn.

Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Tài chính) cho biết, Cổng thông tin điện tử có các chức năng hướng dẫn chi tiết cách thức đăng ký, kê khai, nộp thuế; cách thức thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu riêng về hộ kinh doanh; trên cơ sở doanh thu được người nộp thuế kê khai, ứng dụng sẽ tự động tính toán để đưa ra mức thuế để người nộp thuế nắm được mức thuế phải nộp và có thể chủ động nộp thuế ngay hoặc nộp sau trong phạm vi kỳ tính thuế.

Ở khía cạnh chính sách, theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), từ ngày 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng hoạt động trên nền tảng của họ. Điều này có nghĩa là các sàn như Shopee, Lazada, Tiki... sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho người bán, giúp đơn giản hóa quy trình nộp thuế cho cá nhân kinh doanh.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc hàng trăm ngàn người kinh doanh trên mạng phải trực tiếp khai thuế, nộp thuế rõ ràng là tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí của người kinh doanh trên mạng và cả cơ quan thuế. Chưa kể, nhiều người bán hàng online không có kiến thức, kinh nghiệm về kế toán, hóa đơn, chứng từ, nên rất khó khăn khi thực hiện kê khai thuế, thậm chí phải bỏ chi phí để thuê dịch vụ kế toán thuế, nhiều trường hợp vô tình nợ thuế, nên đã phải nộp tiền chậm nộp với số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng kiến nghị, về mặt lâu dài, nên để các sàn thương mại điện tử khai thay và nộp thay, nhưng về phía Nhà nước, phải đảm bảo môi trường pháp luật rõ ràng. Khai thay và nộp thay nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ của các sàn thương mại điện tử phải làm rõ để khi thuế thiếu, thuế thừa, khi cá nhân có hàng đổi đi đổi lại..., có cơ sở xử lý.

Cùng với các giải pháp nêu trên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực cải cách về chính sách, thể chế và ứng dụng công nghệ để đưa hàng trăm nền tảng xuyên biên giới vào khuôn khổ. Các nền tảng xuyên biên giới từ chỗ lẩn tránh, chây ỳ, nay đã hợp tác, thực hiện các yêu cầu và nộp thuế cho Việt Nam.

Tin rằng, với nỗ lực cải cách, đổi mới đang được thực hiện, năm 2024 và những năm tiếp theo, nguồn thu thuế từ thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh.

Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách 19.774 tỷ đồng. Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...

Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025

Tác giả: Tú Ân

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP