Du lịch

Người Việt đặt chân đến phố cổ, làng rèn kiếm Nhật Bản

Chúng tôi đến các tỉnh miền Trung nước Nhật vào những ngày giữa tháng 11, và thật thú vị khi chỉ trong 4 ngày ngắn ngủi có thể thưởng lãm phong cảnh 3 mùa.

Làng di sản thế giới Shirakawa-go. ẢNH: CHÍ NHÂN

Đó là sắc vàng, đỏ rực rỡ của mùa thu ở thung lũng Korankei; con đường tuyết - Tateyama Kurobe Alpine và còn có cả mùa hoa anh đào (shikizakura) ở làng Obara.

Những ngôi nhà 300 năm

Làng Shirakawa-go nằm trên một thung lũng nhỏ khoảng 45 ha dưới chân núi Haku-san, tỉnh Gifu. Làng có 110 ngôi nhà cổ với mái lợp bằng lá gassho (nhà tranh). Hiện có 19 ngôi nhà được người Nhật công nhận là “bảo vật”. Những ngôi nhà cổ nhất đã tồn tại trên 300 năm. Năm 1995, UNESCO công nhận ngôi làng này là di sản thế giới.

Trước đây, giao thông chưa phát triển, ngôi làng tương đối tách biệt với bên ngoài. Nhưng giờ thì việc đi lại hết sức thuận tiện. Khi chúng tôi đến làng, những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi. Dọc theo các triền núi, sắc vàng, đỏ vẫn còn vương vấn mùa thu. Những mái nhà phủ đầy rêu xanh nằm lẫn trong cái lạnh gần 0 độ C. Xung quanh là các mảnh ruộng nho nhỏ trồng lúa nước mới thu hoạch xong. Người dân ở đây trồng lúa mùa vào tháng 4, thu hoạch khoảng tháng 10. Khung cảnh làng quê ở đây khiến người Việt có thể liên tưởng đến làng quê Bắc bộ.

Wada House, ngôi nhà của dòng họ Wada là cổ nhất và to nhất làng, được xây dựng theo phong cách Gassho-zukuri. Gassho là một loại cỏ như cỏ tranh ở VN, còn zukuri là hình dáng mái nhà dạng tháp. Người Nhật giải thích đó là “đôi bàn tay chắp lại để cầu nguyện” sự bình an cho gia chủ. Mái của ngôi nhà Wada phủ đầy rêu do được lợp cách đây khoảng 20 năm. Mỗi mái nhà có bề dày khoảng nửa mét với tuổi thọ lên đến 40 năm. Về mặt tự nhiên, vùng này rất nhiều tuyết vào mùa đông nên cần phải làm mái có độ dốc cao để giảm trọng lực của tuyết. Sự độc đáo của mái nhà còn ở chỗ giảm thiểu sức cản của gió, kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời. Chính vì vậy, nó mang lại sự mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông cho những người sống trong nhà.

Các sản phẩm của làng nghề rèn kiếm

Bước vào trong nhà, chúng ta sẽ bắt gặp một cái bếp ở cạnh cầu thang luôn đỏ lửa. Mục đích chính không phải để nấu ăn hay sưởi ấm mà để xông khói cho toàn bộ ngôi nhà, tránh sâu bọ, mối mọt. Mỗi hộ gia đình ở đây sở hữu vài ba quả đồi trồng cây thông đỏ. Đây cũng là vật liệu chính để cất nhà. Theo thời gian, những thân gỗ thông đỏ bị khói bám vào chuyển sang màu đen láy. Cột kèo được cột lại với nhau bằng dây. Khi cột như vậy, toàn bộ hệ thống khung nhà có độ đàn hồi tốt hơn và tuổi thọ ngôi nhà cũng cao hơn. Đây cũng là một nét độc đáo của nhà mang phong cách Gassho-zukuri. Trên tầng 2 là nơi nuôi tằm và dệt lụa.

“Cái độc đáo nhất ở ngôi làng này chính là việc người Nhật đã bảo tồn được toàn bộ cảnh quan, văn hóa, nếp sống của người dân nơi đây chứ không chỉ riêng những ngôi nhà cổ. Đó mới chính là lý do vì sao UNESCO công nhận nơi đây là di sản thế giới và thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước Nhật đến thăm”, anh Thụ Nhân, một hướng dẫn viên có nhiều kinh nghiệm thuộc Công ty du lịch Vietravel, giới thiệu trong chuyến đi do Vietravel phối hợp với Hãng hàng không quốc gia VN (VNA) tổ chức.

Phố cổ Mino, làng rèn kiếm Seki

Ở tỉnh Gifu có phố cổ Mino rất nổi tiếng, được hình thành từ thời Edo (thế kỷ 17 - 19). Ngày nay, những nét đẹp trong kiến trúc thời đó vẫn còn lưu giữ tại đây. Đó là những căn nhà gỗ 2 tầng, mái ngói nằm san sát nhau. Trước mỗi ngôi nhà đều được trang trí vài chậu hoa kiểng hay bon sai.

Tuy nhiên, điểm thú vị của phố cổ này chính là những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy mino washi dọc hai bên đường. Đây là một loại giấy thủ công của người Nhật. Nghề làm giấy này có tuổi đời trên 1.300 năm và là niềm tự hào của người Nhật. Mỏng và mềm như vải là đặc trưng của giấy mino washi. Chính vì vậy, người Nhật sử dụng nó làm nguyên liệu cho nhiều ngành thủ công truyền thống khác như làm dù, lồng đèn và ngày nay là cả băng keo (băng dính) trang trí. Tháng 10 hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức cuộc thi sáng tác lồng đèn bằng loại giấy này. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày dọc con phố. Vào ban đêm, người ta sẽ thắp đèn lồng khiến phố cổ Mino càng thêm lung linh, mờ ảo. Nếu không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó vào ban đêm, du khách có thể vào bảo tàng ngay trên con phố này để tham quan những tác phẩm nghệ thuật làm bằng giấy mino washi. Đó là nghệ thuật của sự kết hợp giữa giấy và ánh sáng.

Ông Yoshida Kazuhiro biểu diễn kiếm Nhật

Thành phố Seki, tỉnh Gifu nổi tiếng về nghề rèn kiếm với tuổi đời gần 700 năm, là nơi sản sinh những thanh kiếm Nhật nổi tiếng sắc bén nhất thế giới. Chúng tôi đến cơ sở Hamono-ya của ông Yoshida Kazuhiro, thế hệ thứ 3 của gia đình làm nghề này. Nghề rèn kiếm không còn thịnh như xưa nên bên cạnh việc rèn kiếm chủ yếu để bán cho người sưu tầm, những người thợ nơi đây đã chuyển sang sản xuất các dụng cụ phục vụ cuộc sống hằng ngày như dao, kéo, vật phẩm lưu niệm.

Ngày nay, để sử dụng một thanh kiếm Nhật thật sự (lưỡi bén) phải đăng ký và được cấp giấy phép. Thay vào việc chạm tay vào những thanh kiếm Nhật thật sự, ông Yoshida Kazuhiro sẽ biểu diễn phục vụ du khách màn thử kiếm, chém cành tre. Khi chúng tôi đến, lò rèn đang được sửa chữa nên không thể tận mắt xem cách người Nhật rèn kiếm. Để làm ra một thanh kiếm chất lượng, người thợ mất thời gian trung bình 2 năm. Kỹ thuật rèn kiếm chủ yếu là nung nóng sắt nguyên liệu, tán mỏng rồi gập lại. Công đoạn này được lặp đi lặp lại cả ngàn lần để ra một thanh kiếm thành phẩm. Giá trị của một thanh kiếm tùy vào trình độ và kỹ thuật của người rèn ra nó. Ở Nhật, cũng như các nghề khác, rèn kiếm là một nghệ thuật gia truyền.

Tác giả: Chí Nhân

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP