Giới trẻ

Người tung tin đồn thất thiệt "câu like" trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Hôn trẻ dẫn đến viêm màng não, sinh con thuận tự nhiên tử vong... Hàng loạt những thông tin mang tính chất đồn thổi, "câu like" xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Vậy, việc tung tin đồn “câu like” sẽ bị xử lý ra sao?

Mới đây, tài khoản Facebook L.M.V. đăng tải trên mạng xã hội câu chuyện của mẹ con người bạn đang phải vật lộn trong bệnh viện để chữa bệnh. Nguyên nhân con trẻ bị bệnh do người này nêu là bị người lạ hôn dẫn đến viêm màng não. Thông tin này đã gây xôn xao cộng đồng mạng và ngay sau đó, một người bạn của bà mẹ có con nhỏ trong câu chuyện này đã phải nói rõ đây không phải là sự thật, họ đang bị lợi dụng hình ảnh em bé., câu chuyện cũng đã bị thêu dệt để câu like.

Còn nhớ, cách đây không lâu trên mạng xã hội xuất hiện thông tin liên quan tới vụ hai mẹ con sản phụ ở TP.HCM tử vong vì sinh con thuận tự nhiên tại nhà, không có sự hỗ trợ của y, bác sĩ.

Thông tin này làm “dậy sóng” dư luận. Và ngay sau khi có thông tin này, bộ Y tế cũng đã vào cuộc, yêu cầu xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, hoàn toàn không có trường hợp nào như thông tin chia sẻ trên mạng xã hội. Ngay sau đó, bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị bộ TT&TT tìm người tung tin.

Thông tin sinh con thuận tự nhiên, hai mẹ con sản phụ tử vong từng gây xôn xao dư luận (Ảnh: Facebook).

Những thông tin đồn thất thiệt này không chỉ gây hoang mang cho người xem, mà còn khiến người trong cuộc rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Vậy, việc tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết, mỗi thông tin đưa lên mạng xã hội đều có thể tác động tới người khác, tác động tới cộng đồng. Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền tự do nhân thân của công dân, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Điều này được quy định tại Điều 20, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 và Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường nói: “Hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet mà chưa tới mức nghiêm trọng, chưa nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Còn nếu, hành vi vu khống, bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thể hiện là tung tin, bịa đặt những câu chuyện không có thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội Vu khống quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Ngoài ra, việc đưa những thông tin trái pháp luật lên mạng internet còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự năm 2009, với mức phạt tiền từ 20 triệu - 200 triệu đồng”.

Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh và có trách nhiệm. (Ảnh minh họa).

Theo Ths.Luật sư Đặng Văn Cường, tùy theo mức độ, tính chất và mục đích của hành vi mà có hướng xử lý hành chính hoặc hình sự.

Thông qua sự việc những tin đồn thất thiệt được đăng tải trên mạng xã hội, vị luật sư này cho rằng người dùng mạng nên sử dụng nút “like”, nút “share” có trách nhiệm.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP