Cuộc sống

Người chồng hơn 10 năm nỗ lực giành vợ từ tay tử thần

Thương vợ đánh cược tính mạng để sinh con, anh Liêm đã âm thầm chăm chị bệnh suốt thời gian qua.

Tháng ba, xã Tiêu Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre liên tục có những đợt nắng nóng kéo dài. Càng về trưa, không khí càng trở nên oi bức hơn. Chỉ được nghỉ hơn 1 giờ, nhưng anh Nguyễn Ngọc Liêm, 37 tuổi vẫn tranh thủ về nhà đưa con trai đi học, xem tình hình của vợ. Nhà cách chỗ làm chỉ khoảng hơn 2km, nhưng mồ hôi anh nhễ nhại, mặt đỏ ửng. Mệt là vậy, nhưng vừa đến sân, người chồng mặt hớn hở, ngọt ngào gọi vợ: “Vợ ơi! Ăn cơm chưa? Anh về rồi nè”.

Nghe tiếng chồng gọi, chị Nguyễn Thị Kiều Phượng, 38 tuổi muốn đứng dậy pha cho anh ly nước mát, dọn cơm để hai vợ chồng cùng ăn, mà không thể. Hơn sáu tháng nay, chị liên tiếp gãy chân, tay, vì không tự đứng vững được, thành ra, một mình anh Liêm phải vừa lo kinh tế, chăm sóc vợ và làm việc nhà. Ngồi một nơi, nhìn chồng, áo ướt đẫm mồ hôi, miệng pha trò, tay múc thức ăn ra bát thúc vợ ăn, nước mắt chị Phượng rưng rưng.

Gió thổi làm mái tôn của căn nhà tình thương được nhà nước tặng cho hộ nghèo kêu lẹt kẹt. Anh Liêm chỉ kịp ăn cơm cùng vợ là lại đến chỗ làm tiếp tục công việc. Chờ không còn nghe tiếng xe của chồng nữa, chị Phượng mới khóc thành tiếng. “Thương anh ấy, lúc nào cũng lo lắng cho vợ. Còn tôi, chẳng giúp được gì còn bệnh liên miên, làm khổ chồng con”, chị Phượng nói buồn.

Hướng ánh mắt nhìn xa xăm, người phụ nữ chỉ có cân nặng 30kg ấy kể, năm 2007, đang mang thai ở tháng thứ bảy thì chị phát hiện bị suy thận. Các bác sĩ cho biết, nếu tiếp tục giữ em bé sẽ vô cùng nguy hiểm. Dù rất lo sợ, nhưng chị Phượng quả quyết: “Chỉ cần nhìn con chào đời khỏe mạnh, thì có hi sinh tính mạng cũng chẳng sao”.

Nhìn vợ đã nhỏ bé còn ốm yếu hơn sau sinh, anh Liêm tự hứa mình phải là bờ vai che chở cho chị. Ảnh: NVCC

Dù đã rất cố gắng để con được sinh đúng ngày, nhưng thai hơn 8 tháng, sức khỏe chị yếu dần, các bác sĩ phải quyết định mổ bắt con. May mắn thay, bé Toàn, sinh ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn, ít bệnh tật. Còn bệnh của chị Phượng thì trở nên nặng hơn, phải nhập viện lọc máu mới đảm bảo được sự sống.

Trong nhà lúc đó chẳng một xu dính túi, nhưng anh Liêm vẫn lạc quan nắm đôi bàn tay thô ráp, gầy guộc của vợ động viên: “Em đã đánh cược cả tính mạng để sinh con, thì bây giờ, hãy để anh làm tròn trách nhiệm của người chồng”. Mặt khác, anh bán đi cặp nhẫn cưới và chiếc giường cưới lo chi phí ban đầu. Sau đó, ngày đi làm phụ hồ, tối người chồng ấy tranh thủ chạy xe ôm để giúp vợ thực hiện hành trình đi tìm sự sống.

“Tôi làm việc vất vả một chút, nhưng nằm xuống là ngủ được. Còn cô ấy, ngủ cũng quằn quại vì những cơn đau…”, anh Liêm nói.

Hơn 10 năm qua, cứ đều đặn một tuần ba lần, với chiếc xe máy cà tàng được người quen cho, anh Liêm chở vợ vào viện chạy thận, dù trời mưa hay trời nắng. “Lần nào, đến nơi, nhìn bóng dáng cô ấy thấp bé khuất dần sau cánh cửa phòng bệnh, tôi cũng ước, sau khi bước ra, Phượng sẽ thông báo với chồng, bác sĩ nói em khỏe thật rồi”, anh Liêm nói. Thế nhưng, điều đó, chỉ là một giấc mơ.

Ba tháng trước, nhân kỉ niệm ngày cưới, chị Phượng muốn nấu cho chồng bữa cơm, phải gắng gượng đứng đã té ngã gãy chân tay, phải ngồi một chỗ. Ảnh: NVCC

Phải trải qua thời gian dài chống chọi với bệnh tật, chị Phượng vốn đã ốm yếu, nay lại thêm xanh xao, chân tay teo tóp, muốn đi lại phải có người dìu đỡ. Hai cánh tay nổi lên đầy cục bướu to vì bị áp xe sau hàng ngàn mũi kim tiêm đưa vào người. Mỗi ngày đi làm, sợ chị ở nhà buồn lại lăn tăn làm việc này việc kia sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, anh Liêm dậy từ 4 giờ sáng, dọn dẹp, nấu ăn, vệ sinh, xoa bóp cho vợ, bế chị đi hóng mát, chuẩn bị đồ ăn, nước uống để sẵn gần chỗ nằm cho chị. “Trước đây, tôi còn giúp anh ấy quyét cái nhà, cắm nồi cơm, lặt mớ rau… giờ thì bất lực rồi”, giọng chị Phượng trầm xuống.

Thương con dâu, bố mẹ anh Liêm động viên: “Con hãy thật lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Ba mẹ sẽ luôn yêu thương, xem con như con gái”. Họ còn răn con trai, nếu vì khó khăn mà bỏ vợ thì đừng nhìn mặt bố mẹ. Chẳng phải nói, chị Phượng vô cùng xúc động vì điều đó. “Nhiều khi nằm trong phòng lọc máu, nhìn chồng ở ngoài hồi hộp, lo lắng cho vợ, tôi chỉ biết lặng lẽ khóc”, chị Phượng kể.

Biết được hoàn cảnh của họ, một chủ vựa chuối ở xã Tiêu Thủy gọi anh Liêm vào bốc vác theo xe hơn 6 năm nay. Cứ mỗi một xe như thế, anh được tiền công 200.000 ngàn. Từ đó, anh Liêm không chỉ có việc làm ổn định mà còn có nhiều thời gian chăm sóc vợ hơn.

“Chăm tôi vất vả như vậy, nhưng chưa bao giờ anh ấy kêu than. Cứ thấy vợ mệt lại mát-xa, lấy khăn lau mát, pha đủ trò cho tôi cười”, chị Phượng nói. Còn anh Liêm, chỉ cầu mong mình có đủ sức khỏe để chăm vợ, dìu chị đi hết quãng đường còn lại.

Nhiều lần nghe vợ nói: “Hay em bệnh tật, chẳng giúp được gì, anh hãy đi tìm người khác để hưởng hạnh phúc gia đình”. Anh Liêm nghe liền chọc lại: “Tui nuôi cô hơn 10 năm, bao nhiêu vất vả, khó khăn, giờ nói bỏ là được à”. Vợ chồng họ lại phá lên cười để xoa đi những vất vả, khó khăn ở phía trước mà mình lại tiếp tục nếm trải.

Tác giả: Phan Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP