Ở một số nơi như cửa sông Mai Giang thuộc địa phận phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, sông Bùng tại xã Diễn Thành, mực nước biển cũng đang dâng cao vào sâu trong đất liền. Thêm vào đó, tổng lượng mưa vào năm 2015 giảm, chỉ đạt 1.277mm, thấp hơn 300mm so với trung bình nhiều năm trở lại đây khiến trữ lượng nước ở các sông, suối trên địa bàn giảm mạnh, nhiều nơi trơ đáy. Chính vì vậy, đây là một trong những nguyên nhân làm nước biển xâm thực hàng trăm ha đất nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thị ven biển hiện nay và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.
Hệ thống đê ngăn mặn đi qua xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu đang được xây dựng
Riêng tại huyện Quỳnh Lưu, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn các xã An Hoà, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Yên, Quỳnh Thanh…đã có hơn 50ha diện tích đất nông nghiệp bị nước mặn xâm thực. Với nồng độ nước biển cao (khoảng 1%o), nhiều diện tích đất lúa đã phải chuyển đổi canh tác sang ao nuôi thuỷ sản nước lợ, tôm… Hệ thống kênh Bình Sơn dẫn nước từ Bara Đô Lương về các xã của huyện Quỳnh Lưu thì mực nước hiện nay cũng đang xuống thấp.
Để ứng phó với thực trạng nước biển xâm thực, huyện Quỳnh Lưu đã được các cấp, ngành bố trí nguồn vốn gia cố hệ thống đê biển, khơi thông luồng lạch. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn cộng với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu nên thực trạng nói trên vẫn chưa thể chấm dứt được.
Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để đối phó với tình trạng nước biển xâm thực, các cấp ngành địa phương trong thời gian qua đã không ngừng kêu gọi thu hút đầu tư vào hệ thống đê biển ngăn mặn. Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các xã bị nước mặn xâm thực, phòng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang đào ao phát triển nuôi thuỷ sản. Nếu tình hình còn diễn biến phức tạp, huyện cũng cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành để giúp bà con chuyển đổi hướng sản xuất phù hợp với thực tiễn hơn.
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bị nước biển xâm thực (ảnh chụp tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu)
Không chỉ ở Quỳnh Lưu mà ngay tại địa bàn thị xã Hoàng Mai, ở các xã, phường ven biển như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, nước biển xâm thực cũng đang trở thành nỗi lo thấp thỏm cho người dân. Ở các xóm Đồng Minh, Đồng Thanh, Tân Minh của xã Quỳnh Lập hiện nay có gần 800 hộ dân sinh sống cũng đang phải đối mặt với hiện tượng nước biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. “Mấy năm trở lại đây, nước biển dâng cao cộng với sóng to gây ra sạt lở.
Gia đình tôi ở đây đã nhiều năm nhưng không thấy lo nơm nớp như bây giờ. Trước kia, nước biển chưa dâng cao, lúc thuỷ triều xuống, người dân còn thấy bãi biển kéo rộng nhưng nay nước biển sắp đánh vào móng nhà. Nhiều gia đình đã phải tự làm kè tạm thời để chắn sóng không ăn sâu vào nhà mình” – ông Trần Xuân Ngoạn ở xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập cho biết.
Ông Lê Đình Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, trong những năm qua, bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước như trái phiếu Chính phủ, WB… Nghệ An đã được đầu tư xây dựng nhiều hệ thống đê biển, cải tạo cửa lạch. “Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên để thực hiện kế hoạch dài hơi về việc ngăn chặn tình trạng nước biển xâm thực, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, việc di dời những hộ dân sinh sống nơi vùng sạt lở do nước biển xâm thực cũng đang được chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện” – ông Lê Đình Long cho biết thêm.
Như vậy, tình trạng nước mặn xâm thực đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt của người dân các huyện, thị ven biển của tỉnh Nghệ An hiện nay. Chính vì vậy, ngoài việc khẩn trương lên phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng thì công tác kêu gọi đầu tư nhằm gia cố, nâng cấp hệ thống đê ngăn mặn ở các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa.
Tác giả bài viết: Phạm Tuân