Tin địa phương

Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng

Trong những năm gần đây, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có những diễn biến phức tạp và gia tăng. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 17 vụ phá rừng trái phép, riêng trong 5 tháng đầu năm 2021 xảy ra 4 vụ. Trước thực trạng này, lực lượng Kiểm lâm cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có trên 543.000ha diện tích rừng, trong đó gần 470.000ha rừng tự nhiên, 73.300ha rừng trồng đã thành rừng, 45.500ha rừng trồng chưa thành rừng; độ che phủ rừng đạt 67,9%. Diện tích rừng lớn, trữ lượng gỗ nhiều, địa hình phức tạp nên tình trạng phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 17 vụ phá rừng trái phép, riêng trong 5 tháng đầu năm 2021 xảy ra 4 vụ.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho biết: "Nguyên nhân của nạn phá rừng chủ yếu do thói quen sử dụng gỗ rừng tự nhiên tại một bộ phận dân cư, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có giá cao, gỗ rừng trồng vẫn chưa được ưa chuộng. Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nhu cầu đất sản xuất của người dân ngày càng cao".

Tình trạng phá rừng tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

"Tại những nơi xảy ra tình trạng phá rừng trái phép đều cho thấy chủ rừng, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Người dân phá rừng thường là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng nên chậm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng trái phép…" - ông Long nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, các vụ phá rừng ban đầu rất khó phát hiện, nhưng khi phát hiện ra thì diện tích rừng bị phá đã nhiều. Hành vi phá rừng của các đối tượng cũng hết sức tinh vi và thường dùng các phương tiện máy móc hiện đại, quá trình phá rừng diễn ra rất nhanh. Để bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm đã thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng tại gốc, ngăn ngừa các hành vi xâm hại rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm nên năm 2020, số vụ vi phạm giảm 38% so với năm 2019.

Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết thêm: "Để tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng trái pháp luật, lực lượng Kiểm lâm sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhận thức của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn. Về lâu dài, các cấp chính quyền cần tạo sinh kế bền vững cho người dân ở gần rừng, như: hỗ trợ trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng; bóc tách rừng của các lâm trường giao cho người dân sản xuất; hỗ trợ thêm kinh phí và giao rừng cho người dân bảo vệ, quản lý; có thêm những chính sách hỗ trợ cho bà con trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn, rừng cây bản địa".

"Riêng lực lượng Kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ các phương tiện chở gỗ rừng trồng… Trong trường hợp để xảy ra phá rừng, sẽ xử lý, kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là lực lượng trong ngành…" - ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Tác giả: THU HƯƠNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP