Kinh tế

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới. 'Trái ngọt' thu được từ sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành của Bộ Công Thương.

Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới. “Trái ngọt” này là kết tinh những nỗ lực của doanh nghiệp và sự chung vai, góp sức của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương.

Xuất nhập khẩu xuất sắc về đích

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục mới với con số ước tính 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngoạn mục. Ảnh: Ngọc Thạch

Xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch, tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục. Các thị trường lớn khác như Trung Quốc, EU cũng duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Đây là những kết quả ấn tượng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam 1 năm qua, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và rủi ro lạm phát vẫn tăng cao tiếp tục tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta.

Đáng chú ý, xuất khẩu tại cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều phục hồi và phát triển tốt, tăng trưởng xuất khẩu ở cả 3 khu vực này tháng sau tăng cao hơn tháng trước và quý sau tăng cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ của năm trước.

Xuất nhập khẩu duy trì ở mức cao và đảm bảo được việc xuất siêu hàng hóa. Cán cân thương mại được duy trì ở mức độ dương khá lớn, việc này đã hỗ trợ mạnh mẽ cho cán cân thanh toán cũng duy trì mức độ dương, đồng thời hỗ trợ được cho tỷ giá hối đoái được ổn định.

Cũng chính từ sự tăng trưởng ngoạn mục của hoạt động xuất nhập khẩu đã hỗ trợ cho nền kinh tế. Bộ Công Thương cho hay, báo cáo sơ bộ cho thấy, năm 2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục trên 8,0% so với năm trước, vượt kế hoạch được giao và cao hơn nhiều mức tăng trưởng 2,3% của năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, cao gấp hơn 3 lần mức tăng của năm trước, khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gia tăng và từ đó hỗ trợ ngược lại cho hoạt động chế biến, chế tạo trong nước.

Đáng chú ý, mặc dù chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do cơn bão Yagi, nhưng năm 2024 là một năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hồ tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).

Năm 2024 cũng là năm thứ 9 Việt Nam ghi nhận xuất siêu, đây là một trong những cấu phần quan trọng để quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Với nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là của các doanh nghiệp, hộ nông dân,… đã đóng góp vào việc nâng cao tổng cầu của nền kinh tế thông qua con số xuất siêu này.

Việc xuất siêu như vậy cùng với nguồn vốn FDI và nguồn kiều hối được chảy về Việt Nam, sẽ góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ tại thị trường trong nước.

Theo các chuyên gia, đây là một lợi thế để Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong việc ổn định tỷ giá hối đoái, ổn định được đồng tiền Việt Nam.

Thành quả của sự hài hòa tổng lực

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam - đánh giá, điểm sáng lớn nhất trong năm 2024 đó là sự thích ứng của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của người dân khi nền kinh tế phục hồi. Cùng với vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt là Bộ Công Thương đã mang lại kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu vượt bậc trong năm qua.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới. Đây là điều chắc chắn. “Trái ngọt” là kết tinh những nỗ lực của doanh nghiệp và sự chung vai, góp sức của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương.

Trong đó, đà tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kết hợp với việc ký kết các FTA. Có thể khẳng định, với 17 FTA, thị trường xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, do đó, chúng ta đã tạo được lợi thế đầu tiên đó là thu hút FDI để đẩy mạnh xuất khẩu. Con số này chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ hai, thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua có chuyển biến khá mạnh, đặc biệt là về giá nông sản và quy mô xuất khẩu, tức là chúng ta được cả về giá và lượng. Thứ ba, một số mặt hàng như dệt may, gỗ, thủy sản đều có kim ngạch tăng trưởng cao. Thứ tư, các chính sách của Việt Nam trong thời gian vừa qua khá “mượt” và nhìn tổng thể rất thành công trong chính sách xuất nhập khẩu.

Thứ 5, nỗ lực của doanh nghiệp ngày càng hiểu sâu hơn về thị trường, biết làm ăn theo chuỗi và phản xạ rất nhanh với những biến động và đặc biệt là những đòi hỏi của các thị trường khó tính, nhất là EU và Mỹ; biết cách tránh các vụ phòng vệ thương mại. Những yếu tố này tạo nên bức tranh “rất đẹp” của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024 và sang năm chắc chắn sẽ còn đẹp hơn năm nay.

Tác giả: Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP