Thế giới

Mỹ bí mật lập căn cứ ở biên giới Iraq, trút đạn pháo vào IS tại Syria

Một đơn vị pháo binh Mỹ đã tấn công IS ở Syria từ một căn cứ bí mật mới xây dựng ở khu vực sa mạc tại Iraq.

Pháo binh Mỹ khai hỏa ở căn cứ mới thiết lập tại Iraq. Ảnh: Military.

Đơn vị pháo binh thuộc Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 3 Mỹ đang hoạt động tại một căn cứ hỗ trợ hỏa lực vừa được xây dựng ở khu vực biên giới phía bắc Iraq giáp Syria trong vài tuần qua, Task and Purpose ngày 4/7 dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc.

Binh sĩ Mỹ phối hợp với quân đội Iraq xây dựng căn cứ này nhằm hỗ trợ phe nổi dậy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thung lũng sông Eupharates, đông bắc Syria.

Quân đội Mỹ từng xây dựng nhiều căn cứ tạm thời để yểm trợ hỏa lực pháo binh trong chiến dịch chống IS. Năm 2016, một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ thiết lập căn cứ Bell ở miền bắc Iraq. Cứ điểm này sau đó được đổi tên và chuyển cho không quân vận hành, giúp Mỹ tăng cường tấn công vào sào huyệt của IS ở Mosul.

Những tháng gần đây, hầu như không có thông tin công khai về việc Mỹ sử dụng căn cứ hỏa lực tạm thời để tiếp tục cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, "một tiền đồn xa xôi" ở biên giới Iraq và Syria được tờ NPR đề cập hôm 2/7 dường như chính là căn cứ pháo binh được Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận gần đây.

Khoảng 150 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đồn trú tại đây, bên cạnh các lực lượng Iraq.

"Thời điểm ấn tượng nhất khi thực hiện nhiệm vụ là ba đơn vị pháo binh của cả Iraq và Mỹ liên tục dội hỏa lực vào một mục tiêu", thiếu tá Kurt Cheeseman, chỉ huy quân đội Mỹ tại căn cứ, cho biết.

Hiện không rõ thời điểm xây dựng căn cứ và thời gian hoạt động của nó. Do có ít cấu trúc và tòa nhà, binh sĩ tại căn cứ phải chịu sức nóng trên 37 độ ở sa mạc.

Iraq và Syria có chung đường biên giới trên bộ khá dài. Đồ họa: RFE.

Đồ tiếp tế cho căn cứ này được chuyển bằng đường không và đường bộ, trong đó có trực thăng UH-60 Black Hawk, CH-47 Chinook, CV-22 Osprey, vận tải cơ C-130 Hercule và một chiếc C-17 Globemaster. Lương thực, nước uống, nhiên liệu và đồ dùng thông thường được thả từ máy bay.

Sau khi tiêu diệt IS ở Iraq, quân đội Mỹ đang tiếp tục hỗ trợ SDF ở khu vực phía bắc Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng muốn rút lực lượng khỏi quốc gia này, nhưng Lầu Năm Góc sau đó khẳng định vẫn sẽ duy trì quân đồn trú ở Syria trong thời gian dài.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP