Giáo dục

Mong manh con đò ngang đến lớp

Ngày ngày cứ 3 lượt sáng - trưa - chiều, con em học sinh xã Đại Sơn, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phải vượt sông đến trường trên những con đò ngang chòng chành. Cuộc sống người dân Đại Sơn vốn đã nghèo khó, chính vì thế mà con đường đến trường của con em học sinh nơi đây như càng gập ghềnh hơn. Người dân Đại Sơn mong ước có một cuộc sống khấm khá, con em học sinh được ăn học "đến nơi, đến chốn" có lẽ còn lắm xa vời, bởi vì ước mơ có một chiếc cầu bắc qua dòng sông Vu Gia kéo dài hàng chục năm nay vẫn chỉ là mơ ước?

Để đến trường, học sinh xã Đại Sơn phải vượt sông trên những chuyến đò ngang nguy hiểm rình rập.

Gập ghềnh con đường đến lớp

Nằm ở phía thượng nguồn dòng sông Vu Gia, Đại Sơn là xã thuần nông của H. Đại Lộc. Với địa hình bán sơn địa nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn lớn. Toàn xã có 7 thôn nhưng bị chia tách thành hai khu vực riêng biệt, với 3 thôn nằm gần vùng trung tâm xã, 4 thôn còn lại nằm bên kia dòng Vu Gia như một khu vực tách biệt. Đó là 4 thôn Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp, Đầu Gò, với hơn 300 hộ dân nhưng chỉ có vài chục hộ khá, còn lại đa phần là nghèo và cận nghèo, nhà cửa tạm bợ. Cuộc sống người dân nơi đây cứ quanh quẩn nghèo khó, chuyện học hành của con em có phần dang dở bao năm nay cũng chỉ vì đò giang cách trở.

Người dân địa phương cho biết, vào mùa khô hạn, lòng sông Vu Gia là những dải cát trải rộng trắng phau. Nhưng đến mùa mưa, lòng sông ở khu vực này lại rộng thênh thang và sâu thăm thẳm. Bởi vậy, nguy hiểm cứ rình rập, theo đuổi trên những chuyến đò ngang sang sông. Đò ngang chở hàng hóa, chở nông sản. Đò ngang chở người dân qua sông sản xuất, canh tác. Đò ngang đưa con em học sinh đến trường… Cảnh đò đầy, sông sâu cứ chất đầy nỗi lo dài theo năm tháng.

Ở đây, sau khi học xong cấp 1, để tiếp tục học tập, con em học sinh phải vượt sông qua vùng trung tâm xã học cấp 2. Mỗi ngày đến trường, học sinh phải qua lại hai lần đò ngang, có ngày đến ba lần đi lại. Nguy hiểm không chỉ chất đầy trên những chuyến đò mỗi lúc qua sông, mà chi phí học tập của con em địa phương càng tốn kém hơn.

Em Trần Khắc Luân (trú thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn; học sinh lớp 7/2, Trường THCS Tây Sơn) cho biết: "Hằng ngày, em và các bạn đều phải đi học từ rất sớm để kịp giờ vào lớp. Mùa nắng thì đi đò còn đỡ lo, nhưng vào mùa mưa, nước sông dâng cao sợ lắm. Những hôm mưa gió to hay những lúc nhà máy thủy điện xả lũ, chúng em phải nghỉ học vì không ai dám đưa đò. Điều kiện gia đình đã khó khăn nhưng trung bình mỗi tháng, em mất từ 30 đến 50 ngàn đồng tiền đi đò".

Mong ước có một chiếc cầu để đi lại thuận lợi là mơ ước bao năm nay của người dân, học sinh Đại Sơn.

Mong mỏi một chiếc cầu

Đáng thương nhất là những em học sinh ở thôn Đầu Gò -thôn như một ốc đảo nằm biệt lập với các thôn trong xã. Để đến trường, học sinh thôn Đầu Gò phải vượt hai chặng gian nan đợi đò, vượt sông. Để kịp giờ học, hằng ngày, các em từ lớp 6 tới lớp 9 phải thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị quần áo, sách vở, dắt xe ra bến sông đợi đò, rồi vượt hết đò Đầu Gò qua tới thôn Tam Hiệp, đến đây phải đi thêm một lần đò Tân Đợi mới đến trường học. Vào mùa nước lớn, học sinh thôn Đầu Gò không thể nào vượt sông đến lớp. Cũng vì lẽ đó mà nhiều em ở vùng này không theo kịp bạn bè, đành bỏ lại sự học dang dở, theo cha mẹ lên rẫy kiếm kế sinh nhai.

Chị Nguyễn Thị Nên - người dân sống ở thôn Tân Đợi có hai người con theo học ở Trường THCS Tây Sơn, chia sẻ: "Từ khi vào học cấp 2, ngày nào cũng 4 - 5 giờ sáng là các cháu đã phải thức dậy để cho kịp giờ học. Vào những ngày tạnh ráo còn được, chứ những lúc mưa gió, nhìn thấy các cháu lọ mọ mà tâm trạng không yên, trong lòng luôn cầu mong sự bình yên, không có sự bất trắc nào khi các cháu qua đò vượt sông".

Điều kiện cách trở đò ngang nên hoạt động sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân Đại Sơn cũng hết sức gian khó. Bà Lê Thị Thu Thủy (46 tuổi, thôn Hội Khách Đông) cho biết: "Gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn mỗi ngày đều đi đò vượt sông để chăn nuôi, trồng trọt kiếm kế sinh nhai. Ngày nào cũng tốn 20.000 đồng tiền đò đi làm rẫy. Tính cả tháng mất cả mấy trăm ngàn tiền đò, cuộc sống vốn khó lại càng thêm khó. Ngày thường còn đỡ, chứ trời mưa lũ khổ lắm! Đò không dám đưa, ngồi nhà lo lắng đàn heo, đàn bò bên này đói mà ngủ không được".

Theo ý kiến phản ánh của người dân, khó khăn nhất là vào thời điểm thu hoạch lúa, bắp, thay vì chỉ cần băng qua cây cầu là đưa nông sản tới nhà, thì người dân Đại Sơn phải góp tiền thuê xe vận chuyển từ khu vực thôn Tân Đợi, ra Khe Hoa, về phía cầu mới Đại Hồng, rồi lại vận chuyển ngược lên Đại Lãnh, qua khu vực Tượng đài chiến thắng Thượng Đức, về Đại Sơn, với chi phí và thời gian rất tốn kém. Ai cũng xót xa, nhưng không còn con đường nào khác, bởi cuộc sống người nông dân nơi đây chỉ biết bám vào cây lúa, cây bắp, con bò, con heo để tồn tại.

Bởi vậy, mong ước duy nhất người dân, con em học sinh ở đây sớm có một cây cầu bắc qua dòng sông Vu Gia để có điều kiện đi lại thuận lợi. Phía sau ước mong một cây cầu là khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống mới, vun đắp những niềm tin, hy vọng mới cho thế hệ tương lai.

Tác giả: Khải Minh

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP