Tin địa phương

Mô hình quản lý công tác "thành phố 4 an" đáng chú ý tại Đà Nẵng

Việc nâng cao quản lý, phản ánh từ cấp cơ sở giúp công tác quản lý "4 an" của đơn vị cấp phường tại TP Đà Nẵng nhận được đánh giá cao.

Giữa tháng 11/2016, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) nhận định: "TP Đà Nẵng thời gian qua nổi lên nhiều vụ việc. Nếu vụ việc ít còn nói do ngẫu nhiên. Nhưng nếu xảy ra nhiều vụ phạm tội thì rõ ràng có vấn đề. Nếu chính quyền không làm mạnh tay thì sẽ nguy to".

"Một số vụ án mạng trong quá trình điều tra, xét xử mà có liên quan ma túy. Nhiều tình huống cướp giật tài sản để có tiền sử dụng ma túy, chưa kể 2 vụ sử dụng ma túy rồi giết người hết sức tàn bạo. Chúng ta phải có giải pháp mới mạnh hơn để tập trung rà soát lại công tác phòng chống tội phạm, trong đó có ma túy", chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ lo lắng.

Theo yêu cầu của ông Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo các cơ quan chức năng không nên ru ngủ trên con số, mà cần tập trung tìm kiếm biện pháp phòng chống tội phạm liên quan đến ma túy. Tội phạm ma túy ngày càng nguy hiểm nên không thể dấu diếm, bởi "càng để lâu càng sẽ trở thành ung thư" như lời nói của lãnh đạo TP Đà Nẵng.

Mô hình quản lý "4 an" của phường Thọ Quang tạo nên sự đồng thuận từ cấp cơ sở.

Trong hội nghị ngày hôm đó, đại diện phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mạnh dạn đưa ra ý kiến để nâng cao biện pháp phòng chống tội phạm ở địa phương và nhận được đánh giá cao từ Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Từ khó khăn ở cấp cơ sở, ông Võ Đình Công (Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) nói: "Nếu tổ dân phố, khu vực phát hiện có người nghiện, sử dụng ma túy sẽ bị trừ điểm, không được công nhận tổ văn hóa. Trong khi đó, chúng tôi lại làm ngược để khuyến khích cán bộ, người dân phát hiện người nghiện. Chúng tôi đề nghị cán bộ khu vực có bắt được lập tức báo cáo chủ tịch, bí thư và công an phường. Sau khi phát hiện cộng điểm thưởng cho tổ dân phố đó. Nếu không báo cáo mà để cơ quan chức năng bắt được sẽ bị trừ điểm".

"Phường Thọ Quang có nhiều điểm phức tạp. Không xử lý chuyên án mà xử lý trực tiếp trên địa bàn, làm sạch địa bàn, dân báo chứ không thể chờ lập chuyên án. Nếu vụ án lớn tầm cấp quận mới lập chuyên án, còn án nhỏ, chúng tôi làm ngày để tạo lòng tin người dân, tránh tệ nạn lây lan", ông Võ Đình Công cho hay.

Đã qua hơn 9 tháng, kể từ khi đề xuất được trình lên cấp quận và thành phố, phường Thọ Quang đã thực sự đạt những kết quả ấn tượng. Nhờ sự chủ động trong nắm bắt tình hình, phát hiện và kịp thời giải quyết tốt các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, an sinh xã hội và an toàn vệ sinh thực phẩm ngay tại cơ sở, khi mới phát sinh.

Đối với các khoản thu phạt từ xử lý vi phạm được quận và phường hỗ trợ lại cho các đơn vị, để có nguồn kinh phí hoạt động. Cấp cơ sở cung cấp thông tin có giá trị sẽ được cộng điểm thi đua hàng tháng và ưu tiên trong xét khen thưởng cuối năm.

Các tổ dân phố không nắm tình hình địa bàn, không thực hiện báo cáo, nếu UBND phường và các cấp phát hiện, xử lý thì bị trừ điểm thi đua hàng tháng, nếu vi phạm 3 lần và xét thấy tổ trưởng không có trách nhiệm thì UBND phường sẽ tiến hành bãi nhiệm tổ trưởng tổ dân phố.

Đối với cán bộ, công chức phường có thành tích trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng được xem xét khen thưởng; nếu thiếu trách nhiệm, vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Đối với cảnh sát khu vực để địa bàn phức tạp, mất tình hình an ninh trật tự thì UBND phường sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển địa bàn, luân chuyển công tác.

Người dân hài lòng khi thông tin phản ánh được cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng, hiệu quả.

Chia sẻ về việc này, ông Võ Đình Công (Chủ tịch phường) cho hay: "Mọi thông tin do cán bộ cơ sở cung cấp sẽ được Chủ tịch UBND phường bảo mật. Điều quan trọng là tăng cường công tác quản lý, điều hành của UBND phường và nâng cao tráchnhiệm của các đơn vị, bộ phận chuyên môn thuộc UBND phường trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin, phản ánh của công dân, tổ chức liên quan đến tình hình “4 an”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng an sinh xã hội".

Được biết, tin báo về tình hình trên địa bàn được tiếp nhận theo 3 kênh chính, qua Tổ trưởng Tổ dân phố, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Ban Công tác mặt trận hoặc Các chi hội đoàn thể nắm thông tin, báo cáo cho UBND phường. Việc báo cáo định kỳ trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp thông tin.

Sau khi tổng hợp, Chủ tịch UBND phường sẽ tiến hành khảo sát những điểm cần giải quyết và mời các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp nếu trong báo cáo có xảy ra sự việc. Từ đó, phường sẽ báo cáo cấp lãnh đạo, đồng thời có phương án chỉ đạo, xử lý.

"Thời hạn xem xét, giải quyết thông tin không quá 1 tháng đối với nội dung vụ việc bình thường, đối với những vấn đề phức tạp thì phải có kế hoạch thực hiện cụ thể trong thời hạn quy định. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, các đơn vị, bộ phận trong thời hạn 10 ngày kể ngày được giao nhiệm vụ phải báo cáo với cấp trên để có hướng xử lý", ông Lê Tấn Thanh, phó Chủ tịch phường cho hay.

Các đơn vị, bộ phận chuyên môn được giao nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý, báo cáo tiến độ, kết quả xử lý về UBND phường. Đối với các vụ việc đã được xử lý tại tổ dân phố, UBND phường sẽ thông báo kết quả đến các đơn vị được biết và giám sát.

Công tác an sinh xã hội bên cạnh đảm bảo an ninh trật tự, với việc bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình hộ nghèo trên địa bàn phường Thọ Quang..

Qua thống kê, trong 7 tháng đầu năm, có 64 tin tố báo giác tội phạm, 14 tin về an toàn thực phẩm, 61 tin về an sinh xã hội và 25 tin báo về an toàn giao thông. Trong đó, tin tố giác tội phạm được phường xử lý theo thẩm quyền 17 tin và 47 tin chuyển công an phường, quận và thành phố. Qua tin tố giác tội phạm đã xỷ lý hành chính 25 đối tượng, đưa 23 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 05-06.

Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự mỹ quan đô thị, an toàn trật tự giao thông trên địa bàn phường, cũng như hỗ trợ khó khăn, khi lập 91 hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng đối tượng BTXH và cấp cho 392 trường hợp nhận Bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi...

Chia sẻ thêm về công tác đảm bảo an ninh trật tự, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay: "Lãnh đạo Quận ủy và UBND quận đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện công tác "4 an" tập trung từ cấp cơ sở, hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, chủ trương xuyên suốt cơ chế khen thưởng kịp thời cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong những lĩnh vực nhạy cảm: an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường...".

Hiện UBND quận Sơn Trà cũng triển khai "đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy" cũng như phát động đợt cao điểm thực hiện chương trình "thành phố 4 an" và phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 1/9 đến 12/11.

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: quản lý , đà nẵng , giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP