Giáo dục

Mẹ mất vì ung thư, nữ sinh Sài Gòn quyết tâm làm bác sĩ

Đạt 28,25 điểm khối B, Nguyễn Xuân Nhớ Hoài đã "chạm một tay" vào cánh cửa đại học y với ước mơ làm bác sĩ.

Những ngày cuối tháng 7, Nguyễn Xuân Nhớ Hoài (18 tuổi, quê Đồng Nai) tất bật chuẩn bị hồ sơ để đầu tháng tới xét tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa của Đại học Y dược TP HCM.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hoài thi năm môn Toán 9,25; Văn 6,5; tiếng Anh 8,3; Hóa 9,6; Sinh 9,4. Điểm xét tuyển vào ngành y của Hoài là 28,25 (tổ hợp môn Toán, Hóa, Sinh).

nho hoai 8932 1469872766
Nữ sinh Nguyễn Xuân Nhớ Hoài. Ảnh: Mạnh Tùng

Hoài lớn lên và học hết cấp hai ở huyện Tân Phú, Đồng Nai. Nhà nghèo, ba mẹ ly dị từ khi em còn nhỏ nên bốn chị em cùng mẹ sống với bà ngoại. Cuộc sống khó khăn nhưng đạt kết quả học tập xuất sắc, em nhận được học bổng của trường THPT tư thục Quốc Văn Sài Gòn.

"Em được miễn phí ăn ở, học tập suốt ba năm. Trường trở thành ngôi nhà thứ hai khi bạn bè, thầy cô rất thương em", nữ sinh nói.

Ba năm cấp ba Hoài luôn được xếp loại xuất sắc và giành nhiều giải thưởng ở các cuộc thi Olympic 30/4: Huy chương đồng môn Toán (năm lớp 10) và Huy chương Vàng (năm lớp 11). Em từng là đại diện của trường tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và về nhì ở vòng thi tuần. Học nội trú nên thi thoảng em mới về quê thăm bà ngoại, mẹ và các em.

Ngoài việc học, nữ sinh có sở thích nghe giảng kinh Phật, qua đó em học được nhiều điều hay, rèn luyện tinh thần lạc quan và cảm thấy sống có trách nhiệm hơn với bản thân.

Chuyện buồn đến với Hoài vào năm học lớp 11, em nhận được tin mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Đến khi em bước vào năm học cuối cấp ba thì mẹ qua đời.

"Em khóc rất nhiều dù trước đó em đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Trước lúc mẹ em đi, mẹ dặn em phải ráng học giỏi để mẹ yên lòng", Hoài rơm rơm nước mắt.

Trở thành bác sĩ là ước mơ từ lâu của cô gái có vóc người nhỏ nhắn, dù khi đó em rất mơ hồ về nghề này. Chỉ đến khi mẹ mất vì ung thư, Hoài thêm quyết tâm với nghề y hơn. Em đọc nhiều sách báo về căn bệnh mà mẹ mình mắc phải và tự đặt nhiều câu hỏi, liệu có cách nào giúp mọi người phát hiện sớm ung thư để chữa trị, có phương pháp nào khác ngoài xạ trị để người bệnh không phải đau đớn.

"Em rất muốn làm gì đó để nhiều người có thể biết sớm các căn bệnh hiểm nghèo, kịp thời chữa trị chứ không bị ủ bệnh như mẹ em", Hoài nói.

Năm 2015, điểm chuẩn vào trường Đại học Y dược TP HCM ngành bác sĩ đa khoa là 28 điểm. Nghe dự báo của các chuyên gia giáo dục, điểm chuẩn và các trường năm nay sẽ khó tăng so với năm ngoái, nữ sinh vừa hy vọng lại vừa hồi hộp đợi chờ ngày nhận thông báo trúng tuyển.

Tác giả bài viết: Mạnh Tùng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP