Trong vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật là phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát – một hành động nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là nhấn mạnh của ông Phạm Quang Long - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình Phạm Quang Long trao hỗ trợ 20 triệu đồng cho hộ nghèo ở huyện Quảng Trạch xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: X.T |
PV: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các hoạt động gì để phát huy giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng?
Ông Phạm Quang Long: Chúng tôi triển khai đồng bộ nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 – Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và ý chí thống nhất đất nước”. Các hình thức tuyên truyền được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương: từ tổ chức tọa đàm, gặp mặt tri ân, đến ứng dụng công nghệ số, treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động…
Đồng thời, Mặt trận các cấp đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi thương binh, cựu thanh niên xung phong, gia đình có công với cách mạng; những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh… Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Được biết, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát là điểm nhấn lớn trong năm 2025 ở Quảng Bình. Xin ông chia sẻ rõ hơn về kết quả triển khai?
Đây là một trong những nhiệm vụ đột phá của Mặt trận tỉnh Quảng Bình trong năm 2025. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phối hợp với HĐND, UBND, các sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời tuyên truyền vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực xã hội hóa, tiếp nhận và phân bổ nguồn kinh phí một cách công khai, minh bạch.
Tính đến giữa tháng 4/2025, toàn tỉnh đã khởi công 1.346 căn nhà (768 căn xây mới, 578 căn sửa chữa), trong đó đã hoàn thành 536 căn. Mặt trận tỉnh đã huy động được hơn 40 tỷ đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã hội hóa hơn 18,4 tỷ đồng, và đối ứng của người dân gần 15 tỷ đồng.
Mặt trận tỉnh Quảng Bình hỗ trợ xây mới 20 triệu đồng/nhà ở vùng đồng bằng, 30 triệu đồng/nhà ở vùng miền núi. Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 10 triệu đồng/nhà ở vùng đồng bằng, 15 triệu đồng/nhà ở vùng miền núi. Đến thời điểm hiện tại, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã phân bổ kinh phí cho các địa phương thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã trên cơ sở số nhà đã khởi công xây mới và sửa chữa, tổng số tiền gần 31 tỷ đồng.
Phấn đấu đến tháng 8/2025, Quảng Bình hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024–2025. Có thể nói, phong trào không chỉ mang lại mái ấm kiên cố mà còn thắp lên niềm tin, góp phần giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn tỉnh đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã có những bước đi như thế nào để đồng hành cùng chính quyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân?
Chúng tôi xác định rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, kết luận quan trọng liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính. Các tài liệu liên quan được phổ biến rộng rãi đến cơ sở; đăng tải trên trang thông tin điện tử, Fanpage của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Các nội dung tuyên truyền đã phân tích, lý giải sâu sắc về sự cần thiết của việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, bao gồm cả việc nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp, và sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng.
Đặc biệt, Mặt trận và các tổ chức thành viên cấp xã, Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư đã tích cực tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm và quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của Trung ương, của tỉnh.
Từ đó giúp nhân dân hiểu đúng, đồng thuận và tích cực tham gia vào quá trình đổi mới tổ chức bộ máy chính trị, hướng tới sự ổn định và phát triển lâu dài. Đây cũng là cơ hội để người dân hiểu rằng sắp xếp hành chính là để nâng cao hiệu quả quản trị, phục vụ người dân tốt hơn, không phải là sự “xóa bỏ địa danh” như nhiều người từng lo lắng.
Xin ông chia sẻ thêm về những định hướng trọng tâm trong công tác Mặt trận của tỉnh thời gian tới?
Trước hết, chúng tôi tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, gần dân và hiệu quả hơn; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Chúng tôi xác định: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao đồng thuận xã hội, chăm lo an sinh, củng cố khối đại đoàn kết vững chắc từ cơ sở để địa phương phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Xuân Thi (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết