Pháp luật

Luật sư lập luận Trịnh Xuân Thanh không phạm tội cố ý làm trái...

Qua phân tích, dẫn giải các bút lục lời khai, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng Trịnh Xuân Thanh không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sáng 16/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư. Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh phân tích các tình tiết trong vụ án và công bố một số bút lục lời khai để chứng minh thân chủ của mình không có hành vi cố ý làm trái.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh

Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 (về việc: “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hoá, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành Công trình NMNĐ Thái Bình 2). Từ đó, PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng; quyết định sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng quy kết, hành vi trên của Trịnh Xuân Thanh đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với phần tranh luận của đại diện Viện kiểm sát (VKS) liên quan đến đề nghị xem xét lại đánh giá Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội, luật sư Nguyễn Văn Quynh gửi lời cảm ơn đại diện VKS đã trả lời đề nghị của ông. Tuy khẳng định đó là quyền của bị cáo nhưng VKS lại không cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Với việc VKS đưa ra các lập luận để nói bị cáo Thanh chỉ đạo Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) ký hợp đồng EPC số 33, luật sư Quynh cho rằng, bản chất PVC là bên nhà thầu, Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT PVC chứ không có vai trò chỉ đạo xuyên suốt quá trình.

Theo luật sư Quynh, chủ trương thực hiện NMNĐ Thái Bình 2 là đúng và có từ năm 2007. Tuy nhiên, trong vụ án này có nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của PVPower, đơn vị được giao chủ đầu tư khi ký hợp đồng 33.

Luật sư Quynh cũng công bố một bút lục mà theo ông rất quan trọng nhưng chưa được công bố hay đề cập trong phiên tòa. Cụ thể, thời điểm tháng 6/2017, biên bản lấy lời khai của ông Vũ Huy Quang, nguyên TGĐ PVPower, thể hiện việc ông này biết rõ vấn đề thiếu các hồ sơ quan trọng khi ký kết hợp đồng 33. Theo luật sư, mấu chốt quan trọng của vụ án là hợp đồng 33.

“Nếu không có hợp đồng 33 với sai sót của PVPower thì không bao giờ có vụ án này.” - luật sư Quynh nhấn mạnh.

Về căn cứ để ký hợp đồng EPC 33, theo lời khai luật sư Quynh công bố, ông Quang dẫn hàng loạt các văn bản nhưng luật sư Quynh khẳng định, các văn bản này đều không có thật. Ông Quang sau đó cung cấp cho cơ quan điều tra một danh sách thể hiện việc Trưởng ban Kinh tế PVPower đã lập một báo cáo gửi TGĐ PVPower, trong đó hàng loạt danh mục không có trong căn cứ làm hợp đồng 33 và việc này được Ban Giám đốc của PVPower đồng ý.

Luật sư Quynh khẳng định, nổi bật trong hồ sơ chứng cứ vụ án không thấy vai trò của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), PVC mà là vai trò của PVPower.

Từ những phân tích của mình, luật sư Nguyễn Văn Quynh đề nghị HĐXX xem xét, tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh vô tội về hành vi cố ý làm trái.

Tác giả: Tiến Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP