Kinh tế

Lộ diện ‘trùm’ mua trái phiếu riêng lẻ, ngân hàng chiếm phần lớn

Theo một tổ chức xếp hạng tín nhiệm, trái phiếu riêng lẻ giai đoạn vừa qua được mua phần lớn bởi ngân hàng thương mại (khoảng 40%), tiếp đến là nhà đầu tư cá nhân và một phần nhỏ là các quỹ đầu tư và doanh nghiệp.

Minh bạch thông tin góp phần thu hút trở lại vào kênh trái phiếu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ngân hàng tích cực mua lại rồi phát hành mới

Dữ liệu FiinRatings vừa công bố cho thấy quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường còn 923.000 tỉ đồng vào cuối tháng 8-2023, giảm đáng kể với thời đỉnh cao giữa năm 2022 (1,5 triệu tỉ đồng).

Tổng số giá trị đang lưu hành nói trên, từ ngân hàng phát hành chiếm 33%, tương đương 304.000 tỉ đồng; bất động sản 347.000 tỉ đồng (chiếm 37,6%); còn lại từ doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng, xây dựng, sản xuất và dịch vụ.

Sang đến tháng 9-2023, thị trường vẫn kéo dài trầm lắng. Dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cập nhật đến 15-9-2023, chưa có đợt phát hành nào trong tháng này.

Còn tháng 8 trước đó, có 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 30.657 tỉ đồng. Trong đó, giá trị phát hành từ nhóm ngành tổ chức tín dụng tiếp tục chiếm tỉ lệ lớn.

Ngược lại, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 169.840 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng là nhóm dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,7% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Có thể thấy bên cạnh việc dồn dập mua lại trái phiếu trước hạn, ngân hàng là nhóm tăng tốc huy động vốn trở lại qua kênh này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia cho biết ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn nhằm cơ cấu lại cả kỳ hạn và lãi suất trong bối cảnh dư thừa thanh khoản, lãi suất giảm.

Như vậy, ngân hàng đang giải bài toán vừa có thể đáp ứng nhu cầu vốn, vừa đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn khi có thêm nguồn vốn trung, dài hạn.

Trái phiếu riêng lẻ vừa qua phần lớn mua bởi ngân hàng

Không chỉ tích cực mua lại trái phiếu trước hạn hay tăng tốc huy động vốn qua kênh này, ngân hàng còn là trái chủ lớn.

Ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Công ty cổ phần FiinRatings - cho biết trái phiếu riêng lẻ giai đoạn vừa qua được mua phần lớn bởi ngân hàng thương mại với khoảng 40%, tiếp đến là nhà đầu tư cá nhân với 30%. Còn lại là các quỹ đầu tư và doanh nghiệp.

Tổ chức tín dụng vẫn là nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường vốn của Việt Nam. Tuy nhiên vừa qua các ngân hàng hạn chế đầu tư do những quy định của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng và an toàn hệ thống.

Do vậy theo ông Thuân, có thể xem xét mở rộng điều kiện tham gia mua bán trái phiếu của ngân hàng theo hướng kiểm soát tỉ lệ an toàn vốn, ngoài việc áp dụng tiêu chí đơn lẻ là phải có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% như hiện nay.

Ngoài ra, việc tổ chức tín dụng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể áp dụng hệ số rủi ro được xác định theo chất lượng tín dụng, với việc tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập.

Theo một thống kê của FiinRatings, tính đến quý 2-2023 chỉ ra với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phi ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân sở hữu khoảng 40,3%, tiếp đến là tổ chức tín dụng (30,7%), công ty chứng khoán (7,2%), doanh nghiệp bảo hiểm (3,8%) và quỹ đầu tư (1,3%).

Trong khi quy mô tài sản của 87 quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đạt mức 73.400 tỉ đồng vào cuối năm 2022, nhưng phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và chưa phát triển.

Còn tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân dù ở mức tương đối cao, nhưng có xu hướng giảm. Đáng lưu ý, khi nhìn lại cơ cấu phát hành 3 năm đỉnh cao từ 2019-2021, có khoảng 80% tổ chức phát hành là doanh nghiệp chưa niêm yết, phần đông là các công ty dự án hoặc mới thành lập vốn khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Tác giả: BÌNH KHÁNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP