Du lịch

Kỷ niệm ngủ nhờ nhà Việt của du khách Tây

Ngoại trừ lần bị nhốt trong nhà hàng giờ đồng hồ, William cảm thấy luôn được chào đón và giúp đỡ khi xin ngủ nhờ ở khắp Việt Nam.

"26 tuổi, đến từ London, là giáo viên dạy tiếng Anh, cao 1m9, vui tính, đang học tiếng Việt và Tây Ban Nha" là lời giới thiệu của William trên tài khoản Couchsurfing cá nhân, mở từ năm 2013. Trước khi trở lại Việt Nam lần 2, anh đã đi dọc dải đất hình chữ S theo dạng Courchsurfing (xin ngủ nhờ).

Từng du lịch ngủ nhờ ở nhiều nước trên thế giới, William cho biết việc tìm chỗ nghỉ trong nhà người dân ở thành phố lớn đôi khi khó khăn hơn những vùng ngoại ô. "Họ thường rất bận hoặc đón nhiều khách xin ngủ nhờ một lúc. Ở những nơi xa xôi hơn như Đắk Lắk, tôi có thể được chấp nhận chỉ sau một tin nhắn, tuy nhiên ở đó sẽ không có nhiều lựa chọn", anh nói về kinh nghiệm tìm host (chủ nhà) ở Việt Nam.

Bị nhốt trong nhà

Theo William, một chiếc ghế là đủ để có chỗ ngả lưng thoải mái, đúng như tinh thần của Couchsurfing. Nhưng hơn cả như vậy, trong các gia đình Việt, chỗ ngủ phổ biến dành cho khách thường là một tấm đệm hoặc cả chiếc giường trống. Tuy nhiên, không phải lúc nào William cũng cảm thấy dễ chịu, nhất là khi phải chợp mắt trong tiếng chó sủa liên hồi.

Đến giờ, William vẫn không thể nào quên được lần ngủ nhờ trong một gia đình ở Hà Nội mà anh gọi đó là cơn ác mộng. Không chỉ phải ngủ trên sàn gỗ, anh cùng nhiều khách xin ở nhờ khác (Couchsurfer) bị nhốt hàng giờ trong nhà. "Chủ nhà nói chỉ ra ngoài 10 phút nhưng sự thật là cô ấy đã đi mất hút". William cho biết lúc đó anh rất sốt ruột vì phải rời đi sớm để đến Hải Phòng nhưng anh lại không thể biết lúc nào chủ nhà mới quay về.

"Vấn đề không phải là bạn ngủ ở đâu, có tiện nghi hay không, bởi tôi từng cảm thấy rất thoải mái khi qua đêm với một tấm thảm yoga đặt trên nền nhà ở Đà Lạt. Vấn đề là sự chân thành, thoải mái giữa bạn và chủ nhà khi giao tiếp với nhau", William giải thích.

Những người bạn trong cộng đồng Courchsurfing vui vẻ chụp hình kỷ niệm ở Việt Nam. Ảnh: Hiếu Mike.
Những người bạn trong cộng đồng Courchsurfing vui vẻ chụp hình kỷ niệm ở Việt Nam. Ảnh: Hiếu Mike.

Sốc văn hóa

Không chỉ đơn giản là tìm một chỗ ngủ nhờ, Couchsurfing còn là cách tuyệt vời để khám phá văn hóa địa phương và William cũng không bỏ qua cơ hội đó. Với anh, mỗi chủ nhà giống như một đại sứ văn hóa, giúp anh khám phá những điều mà không phải du khách nước ngoài nào đến Việt Nam cũng có được.

Hào hứng chia sẻ về những trải nghiệm Couchsurfing ở Việt Nam, William cho biết anh từng được dùng bữa với người dân địa phương trong nhà rông ở Kon Tum, uống rượu và ca hát với ngư dân ở Nam Du, thưởng thức thanh long miễn phí tại vườn, chơi bài cùng với các thành viên trong một gia đình ở Sài Gòn...

Đến Thanh Hóa và ngủ lại ở nhà chàng sinh viên tên Lê Bá Tài, như bao lần khác William ra ngoài ăn trưa cùng chủ nhà và nhóm bạn của Tài. Thấy các bạn nam gọi bia, trong khi các bạn nữ còn lưỡng lự chọn đồ, anh nhanh nhảu hỏi xem có cần anh gọi giúp bia không thì nhận được lời đáp: "Phụ nữ Việt mà uống bia rượu là xấu đấy".

William cho rằng uống bia rượu hay hút thuốc được coi là xấu hay đẹp bởi quan niệm của mỗi người. Tuy nhiên anh được nhóm bạn Thanh Hóa giải thích rằng tại Việt Nam, cô gái uống rượu bia và hút thuốc đồng nghĩa với việc cô ấy là một người hư hỏng. "Đây thật sự là cú sốc văn hóa lớn đối với một người Anh như tôi. Nó giống như việc phân biệt giới tính vậy".

Một cú sốc khác mà William từng đối mặt là giao thông trong lần tới Sài Gòn và được một chủ nhà người Philippines chở đi thăm thú xung quanh bằng xe máy. "Lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết khi những chiếc xe máy không đi theo bất cứ trật tự nào. Họ vượt trái, rồi vượt phải và điều khiển theo bất kỳ hướng nào mà họ muốn. Điều này không hề giống với giao thông ở châu Âu", William kể.

Sự thật đằng sau lòng tốt của chủ nhà

Rất ấn tượng với sự thân thiện, cởi mở của đa số chủ nhà trên khắp Việt Nam nhưng William cho biết cũng không ít người lợi dụng những Couchsurfer biết tiếng Anh như anh. Nhiều chủ nhà mở trung tâm Anh ngữ nên thường yêu cầu khách làm tình nguyện viên hoặc dạy miễn phí trong lớp của mình.

Trong một lần ngủ nhờ ở Đà Nẵng, William đã rời đi ngay lập tức sau khi cảm thấy bị lợi dụng để dạy tiếng Anh. "Thật tuyệt khi làm một tình nguyện viên hay giúp đỡ người. Nhưng chủ nhà chỉ đồng ý host bạn vì bạn có thể nói tiếng Anh thì thực sự họ đã không theo đúng tinh thần của Couchsurfing". Anh cho hay những người này chỉ coi người nước ngoài như lao động miễn phí, họ thậm chí còn không đồng ý host khách đến từ Pháp, Đức hay Bỉ vì không phải là người Anh bản địa.

"Lựa chọn khóa học như thế nào tùy thuộc vào mỗi người nhưng tôi thích học hỏi từ người khác, được kết bạn và đắm chìm trong văn hóa địa phương", William giãi bày.

Tác giả bài viết: Vy An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP