Kinh tế

Kiểm soát chặt thực phẩm mùa Tết

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cam kết không để khoảng trống quản lý sau khi sở này thành lập. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong đợt cao điểm Tết vẫn diễn ra liên tục

* Phóng viên: Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM vừa thành lập, chính thức hoạt động từ ngày 1-1. Kế hoạch kiểm soát ATTP mùa cao điểm Tết Giáp Thìn 2024 có gì mới so với các năm trước, thưa bà?

- Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Sở ATTP sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả từ hơn 6 năm áp dụng mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP TP HCM. Việc thành lập sở này tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, giúp tập trung quản lý thực phẩm về một đầu mối.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Trước đây, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, chúng tôi thành lập 11 đoàn thanh tra, kiểm tra đi kiểm soát các mặt hàng như thực phẩm chế biến từ thịt, bánh, kẹo, mứt, rượu bia, nước giải khát… Còn dịp Tết năm nay, chúng tôi sẽ tập trung hơn vào việc kiểm tra các nơi phân phối, bán lẻ như: chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị…

Chúng tôi cam kết không để khoảng trống trong giai đoạn chuyển giao mô hình từ Ban Quản lý ATTP sang Sở ATTP. Công tác giải quyết thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra liên tục.

* Trước khi Sở ATTP được thành lập, việc kiểm tra khâu sản xuất hàng hóa cung ứng cho Tết Nguyên đán 2024 được thực hiện ra sao, kết quả bước đầu như thế nào?

- Chúng tôi kiểm tra việc sản xuất hàng Tết đã được 2 tháng. Ngoài các đoàn chuyên ngành, chúng tôi còn phối hợp với công an, quản lý thị trường lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các kho chứa nguyên liệu thịt, hàng tươi sống…

Kết quả, chúng tôi đã phát hiện một số vi phạm, như nội tạng động vật không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, vi phạm là không nhiều, chưa phát hiện vấn đề nào nghiêm trọng.

Bước đầu, có thể nhận thấy việc chấp hành về vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất hàng Tết tại TP HCM tương đối tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch lẫn đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong đợt cao điểm Tết.

* Năm nay, kinh tế khó khăn nên thực phẩm Tết tập trung ở phân khúc giá rẻ, nguy cơ mất ATTP sẽ cao hơn. Sở ATTP TP HCM có biện pháp gì với tình huống này?

- Chưa hẳn thực phẩm đắt tiền là an toàn tuyệt đối vì vẫn có những người muốn kiếm lợi nhuận cao từ việc gian dối. Qua thanh tra, kiểm tra, chúng tôi từng phát hiện có khách sạn 5 sao vẫn sử dụng nguyên liệu trôi nổi, không đạt chuẩn. Tuy nhiên, với thực phẩm giá rẻ thì nguy cơ mất ATTP cao hơn.

Vì thế, trong công tác thanh tra, kiểm tra, chúng tôi cũng tập trung vào những nơi sản xuất thực phẩm có giá rẻ bất thường để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm nếu có.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một chợ ở TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH

Sau dịch COVID-19, kinh tế sụt giảm cũng khiến tình trạng kinh doanh không phép ở lòng đường, vỉa hè, kể cả khu vực xung quanh chợ đầu mối, nở rộ với hàng hóa không được kiểm soát về ATTP.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc dẹp chợ tự phát, rất mong sự hợp tác của người dân, không mua các loại thực phẩm ở đây. Người dân muốn sử dụng thực phẩm an toàn thì nên mua ở những nơi hợp pháp, có sự quản lý của cơ quan chức năng.

Người nội trợ khéo léo vẫn có thể mua được thực phẩm hợp pháp, an toàn vừa với túi tiền. Tôi không cổ súy người dân mua hàng giảm giá ở siêu thị, chợ đầu mối vào giờ xả hàng, song đây cũng là nguồn hàng bảo đảm chất lượng với giá rẻ mà người tiêu dùng có thể tham khảo khi kinh tế khó khăn.

* Theo bà, người dân cần được khuyến cáo gì trong việc mua sắm, sử dụng thực phẩm những ngày Tết?

- Người Việt Nam chúng ta có thói quen tích trữ thực phẩm rất nhiều trong dịp Tết để dùng trong gia đình và dự trù đãi khách. Đa số thực phẩm sau đó bị thừa và vì tiếc của nên nhiều người tiếp tục sử dụng. Thực phẩm để lâu mới sử dụng thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, kênh phân phối bán lẻ hoạt động liên tục, đặc biệt tại TP HCM, nhiều nơi bán xuyên Tết. Vì thế, người dân không nhất thiết tích trữ hàng hóa, chỉ nên mua sắm vừa đủ để vừa bảo đảm ATTP mà còn tiết kiệm chi tiêu. Khi sử dụng thực phẩm, người dân nên chú ý hạn dùng, cách bảo quản đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Dịp Tết năm nay, lực lượng quản lý ATTP cũng sẽ tăng cường kiểm soát ở các lễ hội, điểm kinh doanh. Còn ngay trong bếp ăn gia đình, người dân cần chú ý bảo vệ sức khỏe cho mình, tránh sự cố khiến Tết mất vui. Đặc biệt, khi sử dụng rượu bia, cần chú ý dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhất là rượu. Không nên dùng rượu trôi nổi vì rất dễ gặp loại pha cồn công nghiệp, có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí chết người.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, mọi thông tin về ngộ độc thực phẩm, mất an toàn trong quá trình sản xuất - kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm ATTP..., người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng của Sở ATTP TP HCM: 028.3930.1714.

Tác giả: NGỌC ÁNH thực hiện

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP