Xã hội

Khoán xe công

Theo thống kê, tổng số ôtô công của cả nước tính đến cuối năm 2016 là 34.241 chiếc. Trong đó xe phục vụ chức danh là 864, xe phục vụ công tác chung là 17.047 và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc.

Cục Quản lý Công sản tính toán chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…). Như vậy, ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn gần 11.000 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương khoán chi phí sử dụng xe công, ước tính số lượng xe công sẽ giảm hơn 10.500 chiếc. Như vậy, ngân sách mỗi năm dự kiến bớt chi khoảng 3.400 tỉ đồng tiền vận hành số xe trên. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, số xe công phải giảm 30-50% so với mức hiện hành.

TS Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển) cho rằng, việc khoán xe công với các chức danh không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, khó khăn, tức là giảm chi hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách mỗi năm, mà còn thể hiện một chính phủ liêm chính nữa.

Hình minh hoạ

Theo dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, TP HCM sẽ thực hiện thí điểm khoán xe công theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đây là nội dung của đề án “Kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền thành phố” mà TP HCM đã xây dựng thời gian qua. Ông Lê Thành Khoa, Giám đốc Công ty Công ích thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM - đơn vị trực tiếp tham gia đề án cho biết, có 5 đơn vị sẽ tham gia thí điểm trong đề án này, đó là: Sở Tài Chính, Văn phòng Ủy ban, UBND huyện Bình Chánh, UBND quận Bình Thạnh và Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố.

Đến thời điểm này, Công ty Công ích của Thanh niên xung phong đã làm việc xong với 5 đơn vị này, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện vào đầu năm 2018. Các đầu xe và tài xế của 5 đơn vị đã được giao về cho Công ty công ích lực lượng Thanh niên xung phong quản lý. Căn cứ theo định biên, chức danh được sử dụng xe hàng tháng, từng đơn vị sẽ ký kết hợp đồng thoả thuận theo từng hình thức, như khoán xe tháng, theo cây số hoặc theo chuyến, rối trường hợp đột xuất … sẽ được công ty công ích bàn bạc thoả thuận chi tiết cụ thể với từng đơn vị để phục vụ theo nhu cầu.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc chuyển giao xe công về cho một đơn vị quản lý và điều phối thì mới chỉ là giải pháp trước mắt. Muốn thực hiện khoán xe công, trước hết phải xử lý cho được việc sử dụng xe công không đúng mục đích. Bởi lâu nay việc lạm dụng xe công vào việc riêng rất phổ biến, nhưng xử lý chưa nghiêm.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, việc khoán xe công cần phải theo một quy định chung của quốc gia, của nền hành chính, cần phải nghiêm túc áp dụng cho cả nước, không theo kiểu “tự nguyện” như hiện nay. Cũng theo các chuyên gia, chúng ta hay nhìn sang một số quốc gia đã áp dụng thành công việc khoán xe công như Singapore, Trung Quốc để học hỏi và xây dựng cơ chế phù hợp.

Tác giả: Trung Nguyễn

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: Khoán xe công , tp hcm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP