Tin địa phương

Khó bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án cao tốc bắc-nam vào cuối tháng 6

Còn chưa đến 20 ngày nữa là hết tháng 6, mốc thời gian mà nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Bình phấn đấu hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông. Thực tế từ hiện trường cho thấy, mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Thi công dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình

Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, đến ngày 8/6, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,43km (đạt 100%); kiểm đếm tài sản trên đất giải phóng mặt bằng phạm vi 125,62km (đạt 99,36%); ban hành 131 quyết định và chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 652,8 tỷ đồng với phạm vi hơn 97km.

Chiều dài các đoạn tuyến được các địa phương ở Quảng Bình đã bàn giao cho các Ban quản lý dự án là 97,3km (đạt 76,96%).

Trong đó, đạt cao nhất là thành phố Đồng Hới (đạt 97,26%) và thấp nhất là huyện Lệ Thủy bàn giao được 20,72km/31,95km (đạt 64,84%).

Để nhường mặt bằng cho dự án, có 580 hộ dân được bố trí vào 26 khu tái định tại 19 xã với diện tích hơn 69ha. Tuy nhiên, công tác triển khai các dự án tái định cư khá chậm, mất nhiều thời gian, do vậy việc di dời các hộ dân thuộc diện giải tỏa cũng còn chậm.

Toàn tỉnh hiện mới triển khai thi công 3/26 khu tái định cư, trong đó, có 1 khu tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh thi công cơ bản hoàn thành, đang tổ chức giao đất cho người dân.

Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí 13 khu nghĩa trang với diện tích hơn 57ha để di dời 2.742 ngôi mộ tại 11 xã. Hiện, các địa phương đang phê duyệt dự án đầu tư và triển khai thi công để sớm bàn giao mặt bằng cho người dân di dời mộ chí.

Trên chiều dài các đoạn tuyến dự án xây dựng cao tốc đoạn qua Quảng Bình có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, trong đó, hệ thống đường dây 500kV có 15 vị trí; đường dây 220kV có 15 vị trí; đường dây 110kV có 21 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây diện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông. Tất cả đang trong giai đoạn thi công di dời các công trình.

Riêng công trình hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng hiện đang được Ủy ban nhân dân cấp huyện đang tổ chức di dời, hoàn trả. Tuy nhiên, công tác này cũng sẽ mất không ít thời gian.

Trong đó, đáng chú ý là xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn gần như phải di dời toàn bộ công trình hạ tầng xã hội quan trọng như: trụ sở xã, trường tiểu học và trung học cơ sở, chợ xã.

Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, tổng giá trị giải ngân đến ngày 8/6 là hơn 935 tỷ đồng, đạt 35,58%.

Tuyến đường công vụ được giải phóng để tiếp cận thi công đoạn cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình Phạm Văn Năm cho biết, so với kế hoạch, mục tiêu đề ra thì thực tế khối lượng công việc chưa đạt được, nhưng kết quả đó cũng phản ánh sự nỗ lực lớn của các địa phương và ngành liên quan ở Quảng Bình. Bởi lẽ, trong 12 dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Bình có 3 dự án, dài 126,43km.

“Tỉnh Quảng Bình cũng là nơi bề ngang hẹp nhất đất nước nên trong phạm vi dự án có rất nhiều diện tích rừng tự nhiên, đất quốc phòng, khu dân cư, có đường Hồ Chí Minh, nhiều sông, hồ chứa nước, công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt quan trọng của đất nước, công trình hạ tầng xã hội của địa phương…nên mất nhiều thời gian kiểm đếm, điều chỉnh, bổ sung, quyết định dự án di dời”- ông Phạm Văn Năm nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cũng cho rằng, so với yêu cầu thì tiến độ bồi thường, giải phóng mặt của tỉnh còn chậm. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan liên quan đến thủ tục, quy định có nhiều chồng chéo, chưa rõ, nhưng có những điểm nghẽn là do sự đồng thuận của người dân và sự phối hợp của các ngành, địa phương chưa cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng (ngoài cùng bên trái) nghe báo cáo tình hình thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa phương

Để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 30/6 theo yêu cầu của Chính phủ, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ để tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân, các vướng mắc về mặt bằng theo đề nghị của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án.

Các địa phương cần có biện pháp quyết liệt để người dân sau khi nhận tiền bồi thường khẩn trương thu hoạch cây trồng và các tài sản khác trên đất để sớm bàn giao mặt bằng cho các Ban quản lý dự án để triển khai thi công. Ưu tiên lựa chọn các nhà thầu thi công có đủ năng lực, trách nhiệm để thi công các khu tái định cư, khu nghĩa trang bảo đảm đúng tiến độ.

Các huyện, thị xã, thành phố rà soát ngay các đoạn tuyến chưa được bàn giao liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp để ưu tiên giải quyết sớm công tác giải quyết mặt bằng, tạo điều kiện cho đơn vị thi công có đường tiếp cận khu vực thi công, các điểm điều phối vật liệu đắp nền đường, các vị trí công trình cầu lớn.

Tác giả: HƯƠNG GIANG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP