Trong nước

Kết quả tinh gọn bộ máy thể hiện trách nhiệm cao của Bộ Tài chính

Chia sẻ với Báo Hải quan, ông Nguyễn Ngọc Phương (ảnh), đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, kết quả sắp xếp, sáp nhập các đơn vị của Bộ Tài chính thể hiện trách nhiệm cao của Bộ trong việc chấp hành Nghị quyết của Trung ương Đảng, yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Nhiệm vụ tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đã được đặt ra từ khá lâu, song, thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội vẫn nhận định rằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ngoài một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhiều nơi chưa thực sự vào cuộc. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đúng là trên thực tế vẫn còn tình trạng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo, trùng lắp... Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được giao; 31/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt biên chế, có địa phương dôi dư 161 phó chủ tịch xã, phường… Điểm lại số liệu để thấy, việc tinh giản biên chế, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện rất chậm, thậm chí bộ máy ngày càng phình to hơn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, một số bộ như Bộ Tài chính, Bộ Công an và một số địa phương như Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái đã có những bước đột phá trong thực hiện tinh gọn bộ máy. Đây là kết quả đáng ghi nhận và các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt vào cuộc để thực hiện có hiệu quả việc tinh gọn bộ máy, giảm biên chế.

Như ông vừa nói, thời gian qua, Bộ Tài chính là một trong những đơn vị đã có những bước đột phá trong đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ông có nhận xét gì về kết quả thực hiện của Bộ Tài chính?

Qua phản ánh của báo chí, tôi được biết, những con số được công bố gần đây sau khi Bộ Tài chính thực hiện đề án tinh gọn bộ máy khá ấn tượng, được nhiều đại biểu Quốc hội và người dân đồng tình.

Kết quả sắp xếp, sáp nhập các đơn vị của Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy; gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành Tài chính. Đây là việc làm thể hiện trách nhiệm cao của Bộ Tài chính trong việc chấp hành Nghị quyết của Trung ương Đảng, yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ trong thực hiện tinh giản tổ chức, biên chế.

Đã nhiều năm chúng ta vẫn chưa thoát khỏi câu chuyện “thu không đủ bù chi, chi thường xuyên không thể giảm do bộ máy cồng kềnh”. Có ý kiến cho rằng phải quyết liệt cải cách bộ máy, giảm biên chế mới có thể giải bài toán này. Ý kiến của ông như thế nào?

Nước ta hiện có hơn 90 triệu dân, nhưng có tới 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Chính vì thế, cân đối nguồn để chi lương hay chi cho tăng lương theo lộ trình luôn rất khó khăn và phải tìm kiếm từ nhiều nguồn.

Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp thực hiện chủ trương của Chính phủ về thắt chặt chi tiêu, kiềm chế lạm phát, giảm trần nợ công, tìm nhiều giải pháp quản lý để tăng thu ngân sách… Tôi chia sẻ với Bộ Tài chính luôn ở thế khó khi đang nỗ lực để cân đối ngân sách, bởi vì “gánh nặng” chi thường xuyên không giảm, trong khi vẫn cần nhiều nguồn cho chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội... Do đó, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, quyết liệt tinh gọn bộ máy, giảm biên chế để giảm chi tiêu công. Cùng với đó, các đơn vị sự nghiệp công lập phải đẩy nhanh việc tự chủ, không phụ thuộc vào ngân sách. Nếu giảm được biên chế của khu vực này sẽ giảm đáng kể nguồn chi từ ngân sách nhà nước.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ để khắc phục cơ cấu tổ chức bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, tôi cho rằng sẽ có những chuyển biến rõ rệt về vấn đề này trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần theo lộ trình cụ thể, có bước đi thận trọng, linh hoạt, biết lắng nghe và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức để tạo sự đồng thuận. Bên cạnh đó, cần có cơ chế lựa chọn người tài, có khả năng đảm bảo công việc được giao.

Về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, cần phải theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, siết lại chi thường xuyên để quản lý chặt chẽ nợ công và bội chi ngân sách.

Xin cảm ơn ông!

Ông Vi Thanh Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thuế: Đảm bảo không gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế

Ngày 25/9/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1686/QĐ-BTC về việc hợp nhất các chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, hợp nhất 7 chi cục thuế cấp huyện để thành lập 3 chi cục thuế khu vực, tương ứng giảm 4 chi cục thuế và 43 đội thuế trực thuộc Cục Thuế Quảng Ninh. Căn cứ quyết định này, ngày 2/10/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Thông báo số 416/TB-TCT về việc chính thức tổ chức hoạt động của các chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế Quảng Ninh kể từ ngày 15/10/2018.

Cục Thuế Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên (tính thời điểm thực hiện) trong cả nước và là 1 trong 6 đơn vị cục thuế đợt đầu tiên (gồm: Yên Bái, Hải Dương, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Cà Mau) được Bộ Tài chính chọn thực hiện thí điểm hợp nhất các chi cục thành chi cục thuế khu vực. Đến nay, qua nắm bắt tình hình, bước đầu các chi cục thuế khu vực đã từng bước ổn định tổ chức và hoạt động bình thường, qua đó tạo sự "khởi đầu nan" và lan tỏa, chủ động và thuận lợi trong việc triển khai hợp nhất các chi cục thuế khu vực của cả nước trong thời gian tới.

Việc thành lập các chi cục thuế khu vực không được để gây khó khăn phiền hà, tăng thời gian, chi phí tác động đến tâm lý của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Một mục tiêu khác cũng rất quan trọng là thành lập chi cục thuế khu vực không làm ảnh hưởng đến quản lý thu, chi ngân sách trên địa bàn; không ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách, hạch toán thu ngân sách theo từng địa bàn các huyện, thị xã thuộc diện hợp nhất chi cục thuế, đảm bảo việc phân cấp quản lý ngân sách tỉnh và huyện theo đúng quy định.

Việc tổ chức, sắp xếp lại chi cục thuế khu vực được thực hiện theo kế hoạch, có lộ trình, không gây xáo trộn lớn về tổ chức, nhân sự, tâm lý, tư tưởng công chức và người lao động. Đối với công tác nhân sự, bước đầu vẫn ổn định biên chế hiện có, đồng thời sắp xếp cơ cấu lại theo từng chức năng, từng địa bàn ưu tiên cho những chức năng chính, địa bàn trọng điểm. Đối với những công chức tại các bộ phận gián tiếp như bộ phận hành chính - nhân sự, quản trị - tài vụ..., Tổng cục Thuế sẽ đào tạo, đào tạo lại, cơ cấu lại đội ngũ công chức để tăng cường cho những bộ phận chuyên môn nghiệp vụ quản lý theo chức năng. Đối với những công chức dôi dư, không sắp xếp được sau khi hợp nhất, Tổng cục Thuế sẽ có phương án tinh giản biên chế và báo cáo cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi của người lao động theo đúng chính sách hiện hành.

T.Linh (ghi)

Kho bạc Nhà nước vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, KBNN đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động, đồng thời rà soát, báo cáo Bộ Tài chính xem xét theo thẩm quyền tiếp tục kiện toàn, tinh gọn bộ máy của hệ thống. Việc sắp xếp lại bộ máy được KBNN thực hiện trên nguyên tắc gắn với chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị, rà soát, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, tinh giản biên chế, giảm chức danh lãnh đạo, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống KBNN và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ðồng thời, KBNN xác định thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 theo lộ trình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển.

Trong tháng 6/2018, KBNN đã giải thể 43 phòng giao dịch trực thuộc 43 KBNN cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ KBNN cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Như vậy, từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã thực hiện kiện toàn, giảm được 7 phòng tại cơ quan KBNN, 165 phòng tại KBNN cấp tỉnh và 1.900 tổ tại KBNN cấp huyện. Qua việc thu gọn đầu mối, hệ thống KBNN cũng đã giảm được một số lượng tương đối lớn cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, cấp tổ.

Trong quá trình triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hệ thống KBNN không để xảy ra ách tắc công việc, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị giao dịch với KBNN. Bên cạnh đó, qua theo dõi cho thấy, mặc dù công tác tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức nhưng tại các đơn vị trong toàn hệ thống KBNN vẫn duy trì được sự đoàn kết, ổn định, không phát sinh đơn thư khiếu nại trong việc bố trí, sắp xếp công việc và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức.

Trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát, xây dựng đề án kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp trong toàn hệ thống KBNN từ trung ương đến địa phương. Trong đó, dự kiến tại KBNN cấp tỉnh, tiếp tục cắt giảm từ 7 phòng xuống còn 5 phòng (với tổng số phòng dự kiến sẽ cắt giảm là 126 phòng); xóa bỏ cấp phòng tại các KBNN quận thuộc KBNN Hà Nội và KBNN TPHCM (với tổng số phòng dự kiến sẽ cắt giảm là 48 phòng); bố trí, sắp xếp một số đơn vị KBNN cấp huyện không theo địa giới hành chính ở những địa bàn giao thông thuận lợi, không ảnh hưởng lớn đến các đơn vị sử dụng ngân sách… Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai theo lộ trình từ nay đến năm 2020 và giai đoạn sau năm 2020.

(Theo báo cáo về Kinh nghiệm sắp xếp tinh gọn bộ máy tại hệ thống KBNN)

Tác giả: Đông Mai (ghi)

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP