Bầu trời vốn không đẹp như thơ, đầy hiểm nguy và bất trắc, nơi ấy chỉ dành cho những anh hùng, những phi công với “kỷ luật thép”. Nhưng phía sau khoang lái, những người lính ấy vẫn thật dung dị, thật đời và tếu táo. Và Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 – 1 trong 9 quân nhân hy sinh trên Casa 212 là người như thế.
‘Tiệc mà không có chú ấy là mất vui’
Những ngày qua, căn nhà Đại tá Lê Kiêm Toàn tại khu tập thể Lữ đoàn 918 (Long Biên, Hà Nội) đóng cửa im lìm suốt. Vợ anh, chị Đặng Thu Lan cùng 2 con gái đã gần như kiệt sức sau nhiều ngày ngóng tin.
Anh Lê Hùng giọng đầy tự hào khi kể về em trai
Hàng ngày, một bác sĩ quân y túc trực tại nhà Đại tá Toàn để chăm sóc sức khoẻ cho 3 mẹ con rồi chốc chốc lại chạy qua nhà bố mẹ anh Toàn bên phường Bồ Đề để theo dõi sức khoẻ cho 2 cụ.
“Gia đình tôi đã giấu bố mẹ nhiều ngày ròng, đến hôm qua ông bà mới biết tin nên rất sốc”, anh Lê Hùng, anh trai Đại tá Toàn chia sẻ.
Anh Hùng cho biết, Đại tá Toàn là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, là người duy nhất nối nghiệp cha theo nghề phi công.
“Trong công việc, em tôi là người vô cùng cẩn thận. Toàn bắt đầu lái máy bay từ năm 1982, đến nay đã có hàng nghìn giờ bay huấn luyện từ L-29, MIC-21, AN-26 và mới nhất là Casa-212. Đi đâu cũng được ngưỡng mộ gọi là thầy Toàn”, anh Hùng kể, giọng đầy tự hào.
Rồi bỗng nhiên anh khựng lại, nhìn xa xăm. Anh bảo trong công việc, anh Toàn nghiêm túc, kỷ luật, say mê là thế nhưng thường ngày chan hoà, bình dị và vô cùng tếu táo. Gặp ai cũng vui vẻ chuyện trò, đi đến đâu là mọi người cười phá đến đó.
Ngoài những giờ bay kỷ luật, Đại tá Toàn luôn vui vẻ, tếu táo với mọi người. (Ảnh: Tiền phong)
“Hồi bố tôi vào viện, nó đến phòng thăm ông cụ, nói chuyện, pha trò rôm rả khiến tất cả bệnh nhân trong phòng dù đang đau đớn cũng cười lăn, cười bò. Nó có duyên đến lạ mà các anh em còn lại không ai có. Vì thế cả họ nhà tôi quý nó lắm”, anh Hùng âu yếm kể về em trai.
Dù dành gần hết thời gian ở đơn vị với lịch huấn luyện, lịch giảng dạy dày đặc nhưng khi hàng xóm hay ở quê có việc là Đại tá Toàn xắn tay vào làm, không kẻ cả, nề hà.
“Là cán bộ cấp cao nhưng chú ấy hiền lành, tình cảm lắm. Ở khu này cứ có tiệc mà không có chú ấy là mất vui”, bà Hoa, hàng xóm chia sẻ.
Căn nhà Đại tá Toàn nhiều ngày nay ra đóng vào khép kể từ khi vắng anh
Dưới con mắt đồng đội, là chỉ huy cao nhất nhưng Đại tá Toàn luôn giành việc khó về mình, luôn say mê, nhiệt huyết khi được giảng bài cho cấp dưới. Đôi lúc vui miệng mọi người hay gọi là “anh Toàn béo” – người luôn quan tâm, chia sẻ với các chiến sĩ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Có anh, mọi chỗ anh đến đều ngập niềm vui.
Người con hiếu thảo của quê hương
Dù cả gia đình đã chuyển lên trung tâm Hà Nội sinh sống từ nhiều năm nay, nhưng mỗi khi nhắc đến Đại tá Toàn, người dân vùng quê Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai luôn dành cho anh những tình cảm trìu mến nhất.
Nhắc về anh, ai ai cũng nói trong sự nghẹn ngào.
Ông Lê Đình Quảng không ngớt lời khen ngợi Đại tá Toàn, bảo anh không có điểm gì để chê
Bà Nguyễn Thị Bích, cùng thôn chia sẻ: “Anh Toàn thì cả làng này có lạ gì. Anh ấy đã thoát ly nhiều năm nhưng hàng năm vẫn về quê đều đặn, thành đạt là vậy nhưng anh cư xử rất nền nã, kính trên nhường dưới nên trong làng ai cũng quý mến”.
Còn ông Lê Đình Quảng thì nhận xét: “Chú Toàn vừa có đức, vừa có tài, không chê vào đâu được”.
“Mới hôm mồng 1/5 chú Toàn cùng gia đình về quê còn mang biếu gói kẹo với mượn chìa khóa sang thắp hương bàn thờ tổ tiên. Vậy mà...”, ông Quảng nghẹn giọng.
Những ngày Đại tá Toàn mất tích, người dân quê anh cũng hàng ngày ngóng trông mòn mỏi. Vì lòng quý mến, nhiều người dân đến chùa cầu khấn, mong một phép màu phù hộ cho anh bình an trở về.
Trong 3 chiếc máy bay tuần thám 8981, 8982, 8983 thì chiếc Casa 212- 8983 là chiếc đầu tiên và duy nhất được Đại tá Lê Kiêm Toàn thực hiện bay huấn luyện hạ cánh an toàn tại Trường Sa. Anh là người thử lửa đầu tiên với dòng máy bay này.
Với cương vị Lữ đoàn trưởng, Đại tá Lê Kiêm Toàn được biết đến là người đảm bảo an toàn bay nổi tiếng trong toàn quân.
Đại tá Toàn có hơn 2.000 giờ bay trên những con chim sắt L-39, MIG21, AN-26 và có trên 500 giờ bay với Casa 212. Anh từng là phi công tham gia chiến dịch tìm kiếm MH 370 của Malaysia vào tháng 3/2014.
Tác giả bài viết: Thúy Hạnh - Nguyễn Toan