Tin địa phương

Hiệu quả từ mô hình “Một tuần một câu hỏi” ở BĐBP Quảng Bình

Cầm trên tay quyển sổ học tập, Binh nhất Võ Anh Quân, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhật Lệ, BĐBP Quảng Bình miệt mài nhẩm đọc những câu hỏi và đáp án trả lời, được đồng chí Chính trị viên đơn vị quán triệt vào buổi sinh hoạt tối qua, để sẵn sàng trả lời khi được gọi tên... Đây là kết quả từ việc thực hiện mô hình “Một tuần một câu hỏi” trong triển khai Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” ở BĐBP Quảng Bình.

Tổ tư vấn của Đồn Biên phòng Nhật Lệ thảo luận, xây dựng đáp án trả lời câu hỏi trong tuần. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Ngay khi tiếp cận Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã xác định mục tiêu phải đạt được, đó là tìm ra một mô hình thích hợp nhất để việc giáo dục chính trị tại đơn vị không còn “khô khan”, người giảng “nói tài liệu”, còn cán bộ, chiến sĩ ngồi phía dưới chép bài đến mỏi tay hoặc “ngáp ngủ”... Và nhiệm vụ “phải tìm ra” này được giao cho Phòng Chính trị, BĐBP tỉnh chủ trì thực hiện.

Trung tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan chính trị đã nghiên cứu, tham khảo những mô hình hay từ các tỉnh bạn rồi vận dụng phù hợp vào đơn vị. Khi Ban Tuyên huấn giới thiệu về mô hình “Một tuần một câu hỏi”, nhận thấy đây là mô hình hay, nên Ban Chủ nhiệm giao cho Ban Tuyên huấn xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện. Trong đó có ngân hàng câu hỏi, đáp án, phương pháp, chế độ kiểm tra, biện pháp phòng và chống việc lộ, lọt đáp án cũng như “bệnh thành tích” ở các đơn vị cơ sở. Kết quả trả lời câu hỏi được tính vào chỉ tiêu thi đua cả cá nhân và tập thể... Khi kế hoạch được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy ký phê duyệt, chúng tôi đã triển khai tới tận cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở, các phòng, ban cơ quan Bộ Chỉ huy”.

Thực hiện mô hình, thông qua hệ thống thông tin liên lạc, sáng thứ 2 hàng tuần, câu hỏi được chuyển đến các đơn vị, sau đó từng đơn vị tìm, nghiên cứu tài liệu, xây dựng đáp án, triển khai cho cán bộ, chiến sĩ học tập. Đơn vị tự tiến hành kiểm tra kết quả học tập trước. Đến ngày thứ năm, thứ sáu, Bộ Chỉ huy, cơ quan chính trị tiến hành kiểm tra bằng phương pháp gọi điện thoại trực tiếp tới bất kỳ cán bộ, chiến sĩ của bất kỳ đơn vị nào, để nghe trả lời câu hỏi. Qua kiểm tra, nếu đơn vị, phòng, ban nào có nhiều cán bộ không trả lời được hoặc trả lời thiếu nội dung thì Bộ Chỉ huy hoặc trả lời cơ quan chính trị sẽ có điện chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Trung tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhật Lệ trao đổi: “Khi triển khai mô hình này, chúng tôi rất lo, bởi công tác xây dựng đáp án, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian rất ngắn, nhưng phải đầy đủ nội dung, câu chữ phải ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ học, dễ hiểu để khi được kiểm tra thì cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trả lời được đầy đủ nhất. Công tác kiểm tra, phúc tra của Bộ Chỉ huy cũng rất phong phú, đa dạng nên buộc đơn vị cơ sở phải học thật, làm thật thì mới báo cáo cụ thể được”.

Tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng Cà Xèng, Roòn, Nhật Lệ, Lý Hòa..., tôi đều cảm nhận mô hình “Một tuần một câu hỏi” đã trở thành phong trào thi đua đối với mỗi người, nêu cao được sự tự giác học hỏi, tìm hiểu của cán bộ, chiến sĩ. Binh nhất Võ Anh Quân hồ hởi nói với tôi: “Qua mỗi tuần trả lời một câu hỏi, chúng em nhớ và hiểu rất nhiều vấn đề. Em thích nhất là các câu hỏi về truyền thống lịch sử của đất nước, của quân đội, của lực lượng BĐBP, BĐBP tỉnh và đơn vị”.

Quân thật thà nói, nếu không có mô hình “Một tuần một câu hỏi” thì Quân không biết được ngày 16-6-1957, Bác Hồ đã về thăm Quảng Bình gặp gỡ các cán bộ Văn phòng UBND, Tỉnh ủy Quảng Bình và có cuộc nói chuyện với hơn 500 cán bộ cốt cán tại hội trường Tỉnh ủy Quảng Bình. Bác đã tắm biển tại bãi tắm Nhật Lệ và gặp mặt các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325...

Tuy thời gian triển khai chưa dài, song mô hình “Một tuần một câu hỏi” đã tạo được phong trào, nâng cao nhu cầu được tìm hiểu trong cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình. Mỗi câu hỏi đề cập đến một vấn đề khác nhau, khi là truyền thống, khi tìm hiểu về chính sách, khi là những vấn đề thời sự đang diễn ra..., đã mở rộng suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ, để họ không ngừng nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, biết phân tích, đánh giá những vấn đề xảy ra một cách đúng đắn. Có thể nói, mô hình “Một tuần một câu hỏi” đã và đang khẳng định tính đúng đắn, là điểm nhấn quan trọng trong quá trình thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của BĐBP Quảng Bình.

Tác giả: Nguyễn Thành Phú

Nguồn tin: Báo Biên phòng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP