Kinh tế

Hàng Trung Quốc, bao bì Việt Nam

Không chỉ khoai tây Trung Quốc (TQ) đội lốt khoai tây Đà Lạt, nho TQ gắn mác nho Mỹ... như dư luận từng phản ảnh, nhiều loại nông sản khác của TQ nhập về cũng được “hô biến” để trở thành hàng Việt.

Nấm xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tràn lan trong các hệ thống siêu thị và chợ trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN


Trong những ngày bám theo xe container chở nấm ăn từ Pò Chài (TQ) về VN để tìm hiểu hành trình đến tay người tiêu dùng của loại nông sản này, chúng tôi phát hiện các sản phẩm này đã được “phù phép” để thành hàng Việt chỉ sau một số công đoạn đơn giản.

Tại Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân (TP.HCM)... có rất nhiều kho lạnh chuyên tập kết nấm ăn các loại được xe container chở về từ TQ, rồi cung cấp khắp các tỉnh thành phía Nam tiêu thụ.

Phần lớn người tiêu dùng mà chúng tôi gặp đều thừa nhận không biết nguồn gốc, xuất xứ của nấm nhưng lại nghi ngờ là hàng TQ.

Theo xe chở nấm ăn 
từ Pò Chài

Sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, kiểm dịch tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), hơn 15g ngày 19-11 xe container biển số 63C-... chở sáu loại nấm ăn (đông cô, linh chi trắng, linh chi nâu, kim châm, bạch tuyết và đùi gà) do Công ty LHG nhập từ TQ (nhận hàng tại Pò Chài) bắt đầu lăn bánh hướng về Hà Nội, theo quốc lộ 1 chạy vào miền Nam.

Ôtô của chúng tôi luôn bám sát chiếc xe này suốt hai ngày đêm. Trên xe container có hai tài xế thay phiên nhau chạy suốt, chỉ dừng lại để ăn uống.

Khoảng 18g ngày 21-11, chiếc xe này chạy vào kho lạnh số 5 của Doanh nghiệp tư nhân HQT ở P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân. Lúc này có tất cả bốn xe container đang nằm trong bãi chờ bốc dỡ hàng xuống kho.

Vì là nấm tươi, phải bảo quản lạnh dưới 50C nên các xe này vẫn nổ máy ầm ầm. Khoảng 21g, hàng trên xe container biển số 63C-... gồm 1.190 thùng xốp màu trắng được dán băng keo kín mít bắt đầu được dỡ xuống.

Trao đổi với chúng tôi trong lúc xe đang xuống hàng, một tài xế xác nhận hàng được lấy ở Pò Chài trưa 19-11 rồi chạy thẳng về đây giao, chứ không giao hoặc nhận thêm ở đâu khác.

Lúc 20g, một xe tải loại 9 tấn của Công ty LHG chạy vào chở các thùng xốp chứa nấm ra chợ Bình Điền (Q.8) và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. T

ừ đó đến rạng sáng hôm sau, xe tải sẽ liên tục chở hàng ra chợ đầu mối giao cho khách hàng. Từ tờ mờ sáng trở đi, nấm ăn tiếp tục được vận chuyển đi các tỉnh, đưa ra chợ hoặc siêu thị bán cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của chúng tôi, nấm từ khi thu hoạch, đóng gói tại TQ phải trải qua ít nhất năm khâu nữa mới tới tay người tiêu dùng, cách nơi trồng hàng ngàn cây số.

Các tài xế xe container cho biết mỗi tháng chở được trung bình 4-5 chuyến nông sản TQ từ Pò Chài về TP.HCM. Xen kẽ là vài chuyến từ Pò Chài về Hà Nội trong đêm.

Theo H. - tài xế chở hàng, nhà cung cấp bên TQ khuyến cáo chỉ nên ăn nấm trong vòng bảy ngày kể từ khi đóng gói, chưa kể nấm phải được bảo quản trong môi trường lạnh dưới 50C để tránh mau hư.

“Chạy xe chở nấm ăn từ TQ về anh em căng thẳng lắm, vừa phải đảm bảo giao hàng đúng giờ vừa sợ máy lạnh trục trặc. Tiền công chở container nấm chỉ 25-30 triệu đồng, lỡ có chuyện gì phải bồi thường mấy trăm triệu đồng, chết luôn!” - tài xế H. nói.

Các loại nấm tươi gồm hải sản, kim châm, linh chi, đùi gà... có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan tại hầu hết khu chợ ở TP.HCM. Trong ảnh: tiểu thương ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) bán các loại nấm hải sản và linh chi trắng cho khách - Ảnh: Hoàng Lộc

Ghi bằng tiếng Việt 
mới bán được!

Trong vai thương lái cần mua nấm ăn cung ứng cho các tỉnh miền Tây, tối 22-11 chúng tôi đến chi nhánh Công ty LHG tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đặt hàng.

Dù kho lạnh trữ đầy nấm ăn của công ty này có ghi xuất xứ TQ nhưng bao bì, nhãn hiệu trên các thùng xốp được bày ra la liệt (có ghi tên khách hàng đặt mua) không có tiếng TQ, mà toàn tiếng Việt và tiếng Anh.

Anh V. (nhân viên công ty) giải thích: “Các loại nấm công ty đang bán đều xuất xứ từ TQ vì VN không đủ cung ứng. Nếu in bao bì hoàn toàn chữ TQ thì người ta không mua, nên phải in tiếng Việt và đóng gói từ bên 
đó luôn”.

Theo V., công ty này giao nấm từ Bắc vào Nam, xuống Cần Thơ và cả Campuchia, nhưng không đưa hàng vào siêu thị do thủ tục rắc rối, trong khi nhu cầu của các đầu mối bên ngoài khá lớn.

“Tuy nhiên khách hàng mua rồi có bán vào siêu thị hay không tui không biết” - anh V. nói, đồng thời khẳng định: “Nấm kim châm Hàn Quốc bên đó không đủ ăn, phải nhập từ TQ, lấy đâu ra mà xuất khẩu sang VN. Giờ bất cứ hàng nông sản gì cũng của TQ hết!”.

Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều loại nấm ăn có ghi nhãn hiệu của Công ty LHG được bày bán khá nhiều trong các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.HCM.

Tại một siêu thị lớn ở Q.Tân Phú, những gói nấm đông cô tươi ghi xuất xứ TQ do Công ty LHG nhập khẩu với dòng chữ “Bộ Y tế - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm số 19588/2013/ATTP-XNCB”.

Một số khách hàng thắc mắc: “Nấm đóng gói ngày 14-11-2016, hạn sử dụng 30 ngày nhưng lại được Bộ Y tế cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm từ... năm 2013. Giấy này cấp cho lô hàng nào, còn hiệu lực không?”.

Trao đổi với chúng tôi, S. - nhân viên Công ty CNX, một doanh nghiệp lớn khác chuyên nhập khẩu, cung cấp nấm ăn tại TP.HCM (có trụ sở tại Q.Gò Vấp) - cho biết đơn vị này hiện cung ứng hai loại nấm TQ và Hàn Quốc, nhưng phần lớn khách mua sỉ chọn nấm TQ vì giá mềm, thị trường tiêu thụ mạnh.

Khi chúng tôi bày tỏ lo ngại hàng TQ khó bán, S. liền trấn an: “Toàn bộ bao bì được in bằng tiếng Việt hết. Bên chúng tôi đầu tư đóng gói tại nhà máy ở bên đó luôn. Nghe hàng TQ thì người tiêu dùng hơi ngại, nhưng khi có nguồn gốc rõ ràng thì có gì mà không an tâm. Hàng của chúng tôi bán đầy tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM và 
miền Tây”.

Ngày 26-11, khảo sát tại một siêu thị lớn ở Q.Tân Bình, chúng tôi thấy có nấm đùi gà ghi nhãn mác của Công ty CNX, nhưng đọc đi đọc lại cả chục lần cũng không thấy ghi nguồn gốc xuất xứ. Sau khi xem hình ảnh bao bì, nhãn hiệu do chúng tôi cung cấp, nhân viên của công ty này xác nhận số nấm này có nguồn gốc TQ, được kiểm dịch đầy đủ.

“Lô nhãn hiệu này có thể là cũ, bên em đã hủy nhưng kho không biết nên đưa ra ngoài sử dụng” - nhân viên này giải thích.

Tại một siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), khi chúng tôi hỏi mua nấm đùi gà của VN, nhân viên bán hàng đưa một gói với bao bì ghi xuất xứ TQ đồng thời quả quyết: “Nấm này sản xuất tại VN nhưng sử dụng công nghệ của TQ”.

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), hàng chục sạp hàng kinh doanh rau, củ, quả và các loại nấm.

Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của các loại nấm đùi gà, linh chi trắng và linh chi nâu đang được bày bán, bà Lan - một tiểu thương tại đây - thừa nhận: “Tui không biết có phải hàng TQ không, chỉ thấy người ta đi chào hàng thì mua để bán”.

Khảo sát tại các chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Linh Trung (Q.Thủ Đức)..., chúng tôi ghi nhận các loại nấm được bày bán tràn lan, trong đó nhiều nhất là nấm đùi gà, nhưng không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ.

Khi chúng tôi hỏi nấm có phải được nhập từ TQ, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu khẳng định: “Toàn hàng của VN mình không hà”.

Tương tự, nhiều tiểu thương tại chợ Linh Trung khẳng định phần lớn các loại nấm bày bán tại đây đều là hàng Việt, trồng ở Củ Chi(?).

Phải kiểm dịch thực vật

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết các sản phẩm nông sản từ TQ có nguồn gốc thực vật xuất khẩu vào VN đều phải thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu, trong đó nấm là đối tượng kiểm dịch thực vật.

Theo vị này, giữa VN và TQ có một danh mục đối tượng kiểm dịch. Và qua lịch sử kiểm dịch ở các cửa khẩu, cán bộ sẽ biết được những đối tượng kiểm dịch nào mới phải ngăn chặn, chứ không thể yêu cầu người kinh doanh phải gửi mẫu xét nghiệm.

“Giữa vi phạm an toàn thực phẩm và gây mất an toàn thực phẩm lại khác xa nhau. Có một số trường hợp vi phạm nhiều lần mình tăng tần suất kiểm tra. Nhưng có những đối tượng được phép lưu thông trên thị trường, không cần thiết phải kiểm tra” - vị này nói.

Phải kiểm dịch thực vật

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết các sản phẩm nông sản từ TQ có nguồn gốc thực vật xuất khẩu vào VN đều phải thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu, trong đó nấm là đối tượng kiểm dịch thực vật.

Theo vị này, giữa VN và TQ có một danh mục đối tượng kiểm dịch. Và qua lịch sử kiểm dịch ở các cửa khẩu, cán bộ sẽ biết được những đối tượng kiểm dịch nào mới phải ngăn chặn, chứ không thể yêu cầu người kinh doanh phải gửi mẫu xét nghiệm.

“Giữa vi phạm an toàn thực phẩm và gây mất an toàn thực phẩm lại khác xa nhau. Có một số trường hợp vi phạm nhiều lần mình tăng tần suất kiểm tra. Nhưng có những đối tượng được phép lưu thông trên thị trường, không cần thiết phải kiểm tra” - vị này nói.

Tác giả bài viết: HOÀNG LỘC - VÂN TRƯỜNG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP