Kinh tế

Hàng hoá CPTPP sắp vào với thuế 0%: Có lo Việt Nam kém cạnh tranh, thành thị trường tiêu thụ?

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những tác động mà CPTPP mang lại đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có làm rõ về những lo ngại Việt Nam có thể "biến" thành thị trường tiêu thụ hàng hoá của các nước khi tham gia hiệp định này.

Các thành viên TPP-11 chụp hình tập thể sau lễ ký kết CPTPP. Ảnh: Reuters.


Nhiều điều khoản tạm hoãn khi Mỹ rút

Bộ trưởng 11 nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago - Chile hôm 8/3 (giờ địa phương).

Ngay sau lễ ký kết này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những điểm mới về CPTPP cũng như những tác động từ hiệp định này mang lại đối với nền kinh tế.

Ông Lương Hoàng Thái nói:

Về cơ bản CPTPP kế thừa nội dung TPP. Tuy nhiên sau khi Hoa Kỳ rút thì 11 nước còn lại ngồi với nhau cùng bán thống nhất điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp tình hình mới. Nội dung thay đổi chủ yếu ở một số nhóm nghĩa vụ tạm hoãn thực thi để khi Mỹ quay trở lại và chấp nhận nội dung với các nước còn lại thì các nước chấp nhận điều khoản này.

Theo đó, có khoảng 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn thực thi và chủ yếu rơi vào nhóm thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Lý do tạm hoãn đó là vì tất cả nghĩa vụ này đều do Hoa Kỳ đề xuất trong quá trình đàm phán.

Lý do khác đó là nội dung quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến điều kiện đặc thù từng nước. Mỗi nước sẽ có một hoàn cảnh, điều kiện phát triển nhất định. Do vậy trong bối cảnh mới, các nước thống nhất giành cho tất cả các thành viên tham gia quyền chủ động tiến hành sửa đổi những quy định ở trong nước và có những bước thực thi cho phù hợp nhất.

Ngoài ra, có một số nhóm nghĩa vụ khác được điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ như nhóm nghĩa vụ liên quan đến việc nhà đầu tư có thể kiện Chính phủ ra cơ chế trọng tài và nếu chứng minh được vi phạm cam kết thì buộc phải bồi thường. Nghĩa vụ thuộc dạng cao như vậy, đặc biệt khi Hoa Kỳ đã rút thì các nước thống nhất chưa tiến hành nghĩa vụ này…

Còn lại toàn bộ nội dung cam kết mở cửa thị trường đều được giữ nguyên, không có bất kỳ thay đổi nào. Đây là một tiến bộ trong bối cảnh xu hướng bảo hộ tăng lên.

Bên cạnh đó, những quy tắc khác phần lớn đều được giữ nguyên như vấn đề hàng rào kỹ thuật. Rồi những cam kết về DNNN, tăng minh bạch hoá trong mua sắm công thì đều được duy trì so với TPP.

Các nước xác định đây là cách thức duy trì động lực cải cách, tạo ra môi trường minh bạch dễ dự báo và dựa trên quy tắc thương mại quốc tế. Từ đó tạo cơ sở ổn định cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Gần 100 dòng thuế về 0% theo lộ trình

Ông có thể phân tích rõ hơn những tác động của việc tham gia Hiệp định này đối với nền kinh tế?

Với phần lớn các nước khi tham gia hiệp định CPTPP, kỳ vọng lớn nhất đó là cơ hội mở cửa thị trường. Lợi ích từ việc này được nhìn nhận là góc độ trực tiếp.

Ví dụ đối với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn thông thường là khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Về cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng.

Thuế trung bình Việt Nam gặp khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%, do đó, khi biểu thuế về 0% thì hoạt động xuất khẩu sẽ bị tác động trực tiếp. Hiệp định dù không còn Mỹ nhưng với thị trường 500 triệu dân của các nước tham gia CPTPP thì lợi ích đối với Việt Nam là rõ rệt.

Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Đơn cử như trước đây ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước, nhưng gần đây doanh nghiệp Việt đã vươn ra thị trường mua sắm công ở nước bên ngoài.

Ngoài ra đối với CPTPP, chúng ta còn nhìn ở góc độ lợi ích gián tiếp nhưng rất quan trọng đối với chúng ta, đó là khẳng định chủ trương của Việt Nam về cải cách và hội nhập. Theo một số nghiên cứu thì lợi ích gián tiếp này rất lớn.

Đơn cử như nghiên cứu của WB, nếu lợi ích trực tiếp giúp tăng trưởng 1% GDP, lợi ích gián tiếp có thể tăng 3,6%. Ngoài ra, nếu chúng ta triển khai hiệu quả thì lợi ích còn nhiều hơn mà chưa chúng ta tính được.

CPTPP đã để "ngỏ" khả năng Hoa Kỳ có thể quay trở lại tham gia hiệp định. Vậy theo ông việc nước này nếu tham gia CPTPP thì có tác động tới Việt Nam như thế nào?

Tất cả các nước thành viên CPTPP đều chào đón Hoa Kỳ tham gia. Để đánh giá được cơ hội thách thức khi Hoa Kỳ quay trở lại thì phải biết được họ sẽ tham gia và chấp nhận các điều kiện như thế nào.

Thách thức rất lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Không thể phủ nhận những tác động tích cực mà chúng ta đang kỳ vọng ở CPTPP. Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt, theo ông chúng ta sẽ phải lường trước những tác động tiêu cực nào?

Bên cạnh cơ hội doanh nghiệp có được khi tiếp cận tốt hơn các thị trường thì chúng ta cũng phải đối đầu cạnh tranh ở mức cao hơn. Ta đã có nghiên cứu, đánh giá ban đầu để điều chỉnh kế hoạch. Lĩnh vực dự kiến có cạnh tranh lớn là ngành chăn nuôi, đặc biệt thịt gà, thịt lợn, có cạnh tranh của nước ngoài cao hơn trước đây. Ngoài ra còn nhiều ngành khác chịu cạnh tranh.

Tuy nhiên, ta có nước chuẩn bị khá lâu cho bước chuẩn bị, đã mở cửa cho đối thủ của ta như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Những nước này có cơ cấu hàng hóa tương đồng của Việt Nam.

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế đối với các nước CPTPP là bổ sung tương đối cao, tương hỗ nhiều hơn cạnh tranh. Nên mặc dù có tạo ra cạnh tranh nhưng không nhiều như một số hiệp định đã thực hiện trước đây.

Đây là cơ sở chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới cho Việt Nam khi tham gia hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Mỗi vấn đề luôn có 2 mặt cơ hội và thách thức, trong nhiều trường hợp thách thức là rất lớn nhưng nếu chúng ta vượt qua được sẽ lại là cơ hội lớn hơn nhiều lần.

Thời gian qua chúng ta tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do và giờ thêm CPTPP. Liệu có lo ngại trở thành thị trường tiêu thụ của các nước hay không, thưa ông?

Đây là suy nghĩ của phần lớn mọi người trước đây khi mở cửa thị trường. Quan điểm này cho rằng khi mở cửa, anh nào có trình độ phát triển thấp, không cạnh tranh được sẽ chịu thiệt thòi và những người hưởng lợi là doanh nghiệp đa quốc gia, họ vào chiếm lĩnh thị trường. Nhưng mà trong thời gian gần đây thế giới có sự thay đổi quan điểm tương đối mạnh mẽ.

Đặc biệt sau khi những gì chứng kiến những gì xảy ra với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ. Không phải tự nhiên các nước phát triển trước đây có xu hướng mở cửa nhưng nay lại chuyển sang bảo hộ mậu dịch. Lý do là do gần đây có sự trỗi dậy của nhiều quốc gia đang phát triển và đc biệt là nhờ cơ hội do hội nhập mang lại.

Trước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, Mexico không có ngành công nghiệp ô tô. Sau đó thì họ đã có nền công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới. Họ không tạo được thương hiệu riêng nhưng ngành công nghiệp này có sự phát triển rất tốt, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Nếu chỉ dựa vào thị trường rất là nhỏ của Việt Nam thì rất là khó phát triển. Vì vậy để phát triển việc quan trọng hiện nay là phải bước được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Anh phải đặt được một chân vào đó đã rồi mới tính được bước đi lên.

Kinh nghiệm cho thấy, phần lớn các quốc gia nếu chỉ tính thị trường trong nước thì rất khó thành công trong việc phát triển kinh tế. Tất nhiên có những thực tế khác nhau và vẫn có những tranh cãi nhưng kinh nghiệm là nếu hội nhập thành công thì sẽ có kết quả tích cực rất lớn.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP