Pháp luật

Hai bảo mẫu đánh trẻ ở Sài Gòn không bị xử lý hình sự

Các bé tại điểm giữ trẻ của bà Thu (phường 17, quận Gò Vấp) không bị thương tích, cha mẹ chúng cũng xin bãi nại... nên cảnh sát không khởi tố hình sự.

Ngày 25/5, đại tá Trà Văn Lào (Trưởng Công an quận Gò Vấp) cho biết đã ký quyết định không khởi tố hình sự đối với chị em bà Phạm Thị Dạ Lan và Phạm Thị Mộng Thu - chủ cơ sở giữ trẻ trên đường Nguyễn Oanh, phường 17.

Bé trai bị kẹp đầu, liên tục bị đánh khi ăn. Ảnh cắt từ clip.

Quá trình điều tra, hai bà này thừa nhận vì nóng ruột, muốn các cháu ăn nên đã đánh, tống thức ăn vào mồm... Dù hành vi của chị em bà Thu rất mạnh tay nhưng kết giám định cho thấy các bé không bị thương tích. Khi tiếp xúc với 2 bảo mẫu, chúng vẫn quấn quít.

"Cơ quan điều tra đã theo dõi trong thời gian dài, tâm lý các bé vẫn bình thường. Ngoài ra, cha mẹ các cháu cũng làm đơn bãi nại cho chị em bà Thu, không yêu cầu xử lý hình sự", ông Lào cho biết.

Từ đó, Công an quận Gò Vấp xác định hành vi của hai bảo mẫu không đủ căn cứ cấu thành tội Hành hạ người khác nên không khởi tố.

Tiếp nhận vụ việc, lãnh đạo Công an phường 17 lập hồ sơ xử phạt chị em bà Thu 5-10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 27 về Vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Từ đầu tháng 3, chị em bà Thu có hàng loạt hành vi bạo hành trẻ. Trong các bữa ăn, các bé thường xuyên bị 2 người đàn bà đánh đập, tống thức ăn vào mồm, mặc cho chúng khóc lóc, run rẩy và có dấu hiệu bị sặc. Khi tắm, có bé còn bị quăng thẳng xuống sàn nhà.

Nhận phản ánh từ VnExpress, cơ quan chức năng quận Gò Vấp lập tức đình chỉ hoạt động của cơ sở giữ trẻ, tạm giữ chị em bà Thu.

UBND TP HCM sau đó yêu cầu công an điều tra, xử lý nghiêm vụ việc; đề nghị 24 quận huyện tổng kiểm tra, chấn chỉnh công tác giáo dục tại các trường học, điểm giữ trẻ để phòng ngừa tình trạng bạo hành, ngược đãi.

Điều 27 Nghị định144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.

b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em.

c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;

đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

Tác giả: Quốc Thắng

Nguồn tin: VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP