Trong nước

Giỗ Tổ Hùng Vương - Linh thiêng nguồn cội

Từ bao đời nay, người Việt vẫn truyền nhau: 'Cây có cội, nước có nguồn', để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước và những bậc tiền nhân đã khẩn hoang, mở mang bờ cõi, dựng xây và giữ gìn.

Những câu ca về cội nguồn dân tộc đã ăn sâu, ngấm vào máu thịt các thế hệ, đời nọ nối đời kia, giúp mỗi người hiểu tình cảm sâu đậm, gắn kết của hai chữ “đồng bào” và ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, của những người con cùng chung dòng máu Lạc Hồng, lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc làm nên sức mạnh.

Trải dài suốt hàng nghìn năm lịch sử lễ hội đền hùng đã có sức sống mãnh liệt và lan tỏa mạnh mẽ từ lễ hội làng, thành lễ hội quốc gia, quốc lễ có sự tham gia của Nhà nước và đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài trong việc thực hành nghi thức nghi lễ. Bất biến với thời gian, hạt nhân cốt lõi trong giá trị của lễ hội đền hùng vẫn vẹn nguyên được các thế hệ người Việt gìn giữ tiếp nối trao truyền nâng lên tầm cao mới. Đó chính là đạo lý tri ân nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cả nghìn năm trước, cha ông ta đã xây dựng đền Hùng và tổ chức Giỗ Tổ với tính chất dân gian. Thôn Trẹo (xã Hy Cương), thôn Vi ( xã Chu Hóa) xây dựng Đền Hùng với quy mô ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ. Lễ hội làng He (xã Hy Cương và Chu Hóa) với nhiều hình thức diễn xướng dân gian cổ xưa đã được tổ chức: Rước tiếng hú, chạy địch, trình voi, ngựa, rước chúa gái, diễn trò bách nghệ khôi hài. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán đã lên Đền Thượng trong khu di tích Đền Hùng tế trời đất, nguyện rửa thù nhà đền nợ nước, nối nghiệp các vua Hùng. Các triều đại phong kiến tiếp nối, Đền Hùng đều được tu tạo, xây dựng ngày càng khang trang, bề thế.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: "Truyền thuyết huyền thoại là một mặt phản ánh hiện thực lịch sử nhưng phản ánh theo đặc trưng riêng của nó, ấy là óng ánh, là mờ tỏ mà huyền diệu mà linh thiêng nhưng chắc chắn có sau, hay ít nhất thì cũng là có đồng thời với hiện thực lịch sử ấy, ký ức đích thực về thời kỳ hùng vương là hằn sâu vào trong thế giới tư duy và thế giới tâm linh của những người dân trên đất tổ nhờ sự bảo lưu lịch sử qua ký ức cư dân đất tổ mà trực tiếp là những người đã sống ở ngay dưới chân núi đền Hùng".

Ngay sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22 quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ ngay tại Hà Nội mà chính vị Chủ tịch nước nguyên thủ quốc gia đứng làm chủ tế cũng thời điểm đó thì cụ Huỳnh Thúc Kháng bộ trưởng Bộ Nội vụ rất có uy tín trong dân chúng là dẫn đầu đoàn Chính phủ lên đến đền Thượng Phú Thọ để dâng hương và người ta kể lại dâng lát một bản đồ Tổ quốc Việt Nam đã trọn vẹn cái ý chí nối nghiệp vua Hùng".

Năm 2010, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng lần đầu tiên được tổ chức theo nghi thức Quốc lễ trang trọng nhất trong lịch sử do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là chủ lễ dâng hương tiến hành các nghi thức, nghi lễ trọng thể trong lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển đỉnh cao thể hiện sức sống mạnh mẽ và sự lan tỏa theo thời gian và không gian của lễ hội. Quy mô tổ chức lễ hội thể hiện tinh thần hội tụ, đoàn kết dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc - một truyền thống đặc biệt quan trọng được thể hiện thông qua lễ hội Đền Hùng ở nhiều giai đoạn khác nhau. Đồng thời thể hiện rõ cốt cách tinh thần của dân tộc Việt Nam trong lịch sử - quá khứ - hiện tại - tương lai.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam nhận định: "Tín ngưỡng thờ cúng hùng vương là một quá trình sáng tạo của dân tộc chúng ta, từ câu chuyện trong gia đình thờ tổ tiên thờ thành hoàng làng, thờ những nhân vật mà gần gũi với cộng đồng ở từng làng quê thì đã hội tụ và trở thành một biểu tượng. Một biểu tượng về các vua Hùng và từ đó thì người ta đã dẫn đến một khối cộng đồng rộng hơn và ngày nay như chúng ta thấy tín ngưỡng thờ cúng hùng vương không phải chỉ của Phú Thọ mà còn lan tỏa ra rất nhiều cộng đồng khác của người Việt và thậm chí là cả người Việt ở nước ngoài nữa".

Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng là đỉnh cao của truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một hiện tượng lịch sử độc đáo hiếm có so với nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới. Bản chất của lễ hội Đền Hùng thể hiện 4 nội dung cơ bản: Đạo hiếu; đạo lý uống nước nhớ nguồn; ý thức hệ về cội nguồn dân tộc và thể hiện nét riêng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực UB Văn hóa- Giáo dục của Quốc Hội cho rằng: “UNESCO đánh giá rất cao vai trò của các cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong việc vinh danh tôn vinh một tín ngưỡng thờ cúng hùng vương trở thành biểu tượng của dân tộc và từ biểu tượng dân tộc đó tạo ra sự đoàn kết cho cả đất nước này và giúp cho chúng ta có một truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước đến tận ngày hôm nay và một điều nữa mà Unesco đánh giá cao là tín ngưỡng thờ cúng hùng vương xuyên suốt trong quá khứ được hình thành trong lịch sử nhưng đến ngày hôm nay vẫn được tồn tại vẫn được các cộng đồng người dân các dân tộc Việt Nam thực hành".

Trống đồng rền vang như lời cha ông vọng về từ thuở hồng hoang dựng nước. Đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh bảng lảng trầm hương mờ ảo tán đại thụ cổ kính, vương vấn trên sắc cờ thần. Đền Hùng hội mở, Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam rực rỡ cờ hoa, rộn vang trống hội, đằm thắm, mượt mà câu Xoan, Ghẹo mở rộng vòng tay thân thiện chào đón du khách thập phương hành hương về Giỗ Tổ trong nghĩa “đồng bào” về chung vui ngày Lễ trọng. Trăm năm một cội, trăm con một nhà, triệu trái tim con Lạc, cháu Hồng chung nhịp đập thành kính tri ân công đức tổ tiên…

Tác giả: Văn Hiếu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP