Giáo dục

Giật mình “tư duy gấp giấy”

Khi giảng viên yêu cầu mọi người viết ngay ra các ý tưởng, suy nghĩ về vấn đề, tất cả 6 nhóm với hơn 30 giáo viên tiểu học cùng thực hiện một thao thác: gấp mép tờ giấy để tạo ra các đường thẳng nhờ đó viết cho thẳng hàng.

Câu chuyện có thật được ghi nhận tại một buổi tập huấn dành cho hơn 30 giáo viên tiểu học tại một quận ở TPHCM, được chia thành 6 nhóm nhỏ. Trong một chuyên đề, giảng viên là Tiến sĩ của Trường ĐH Sư phạm TPHCM yêu cầu các nhóm nêu lên các ý tưởng, suy nghĩ của mình về vấn đề đang trao đổi.

Ngay sau yêu cầu này, nữ giảng viên nhìn thấy tất cả giáo viên ở các nhóm đều cùng làm một hành động y nhau nhau: Họ cùng rải tờ giấy lên bàn, gấp mép giấy lại để tạo ra những hàng thẳng rồi mới mở giấy ra với mục đích để viết cho thẳng hàng.

Ngay lúc đó, người giảng viên đã phải lên tiếng: "Không! Không! Các anh chị không cần phải làm như vậy! Thứ chúng tôi cần là ý tưởng, là suy nghĩ của mọi người, có thể là vẽ, là viết loằng ngoằng". Thế nhưng không, họ vẫn rất ngay ngắn, rất thẳng hàng thẳng lối!

Giáo viên trong một chuyên đề tập huấn đối mới phương pháp dạy học (Ảnh mang tính minh họa, không phải nội dung đề cập trong bài)

Bà không khỏi giật mình và thấy vô cùng đáng tiếc vì hiểu rõ rằng những ý tưởng, suy nghĩ luôn vụt qua nhanh hơn những gì kịp ghi lại. Sau sự việc đó, là một người đào tạo Sư phạm, bà trăn trở với hàng loạt câu hỏi Vì đâu? Ai đã tạo ra tư duy gấp giấy ở giáo viên? Trong lớp học, các giáo viên với tư duy gấp giấy sẽ dạy trẻ như thế nào? Tư duy đó bóp nghẹt sự sáng tạo, tư duy, suy nghĩ của con trẻ vô cùng khủng khiếp.

Trong buổi tập huấn trên, nữ giảng viên đã nói các giáo viên rằng, việc đổi mới giáo dục không phải cần tiền tỷ mà chính từ mỗi giáo viên cần cố gắng thay đổi theo cách tốt nhất là cố gắng phát huy sự sáng tạo của mỗi đứa trẻ. Đừng bắt chúng suy nghĩ hay làm theo cách của mình.

Bà nhấn mạnh, những đứa trẻ luôn luôn nghe lời, luôn lắng nghe và làm theo người lớn, lớn lên không phải là đứa trẻ thành công. Những đứa trẻ vẫn tôn trọng những giới hạn nhưng dám phá vỡ những lối mòn, có khả năng sáng tạo, dám đưa ra những quyết định khác, ý tưởng khác... đó là những tài năng cần nuôi dưỡng.

Hình ảnh gấp giấy của giáo viên cũng y như hình ảnh hàng triệu đứa trẻ gò mình uốn từng nét chữ trong cuốn vở ô ly đóng khung cứng nhắc. Đó là giáo dục được vận hành, đánh giá một cách máy móc, cũ kỹ bắt đầu từ những bài văn mẫu từ tả mẹ, tả cô..., bắt đầu từ những bài Toán cộng trừ đã ghi sẵn lời giải: "Số còn lại là"... Điều này đồng nghĩa với việc học trò đã mất đi cơ hội để làm khác đi, nghĩ khác đi ngoài sách vở, ngoài áp đặt của người khác.

Và giáo viên cũng là sản phẩm của hệ thống giáo dục áp đặt, máy móc và ít sáng tạo đó! Chúng ta có "giáo viên đồng phục" thì sẽ có "học trò đồng phục". Người thầy bị cắt gọt tư duy một cách vuông vức và tiếp tục "chỉnh" học trò theo cách của mình dẫn đến một vòng bế tắc trong giáo dục.

Ngoài lỗi của hệ thống giáo dục tạo ra tư duy gấp giấy ở người thầy, một nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng tư duy lề lối ở người thầy còn xuất phát từ chính phụ huynh. Một mặt họ muốn nhà trường, giáo viên dạy cho con mình tư duy sáng tạo nhưng một mặt lại yêu cầu nhà trường, giáo viên phải luôn lề lối, máy móc. Không chỉ ở các trường công lập mà ở cả các trường quốc tế, trường tư thục, ngoại khóa ở Việt Nam cũng gặp phải ràng buộc này.

Từng trải nghiệm các trường mầm non nổi tiếng ở Đức, nhà nghiên cứu giáo dục này thấy các giáo viên ở đó không có giáo án, chủ đề. Chương trình từng ngày sẽ xuất hiện từ trải nghiệm của trẻ, từ chính sự tò mò của con trẻ theo kiểu cái gì diễn ra thì sẽ học về cái đó.

Nhưng đây là điều gần như không thể thực hiện ở Việt Nam. Việc đầu tiên khi vào trường, phụ huynh sẽ hỏi: Chương trình, giáo án hàng ngày của trường như thế nào? Trong một ngày từ giờ này đến giờ này các con sẽ học cái gì, làm cái gì...

Như vậy, hệ thống giáo dục, phụ huynh cũng góp sức cho giáo viên nuôi dưỡng "tư duy gấp giấy".

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP