Kinh tế

Giảm thuế GTGT mạnh hơn để kích cầu

Việc giảm thuế GTGT giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn

Bộ Tài chính vừa thông tin Văn phòng Chính phủ đã có công văn phản hồi về đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024.

Người tiêu dùng thờ ơ?

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp nội dung đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024..., đưa vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trình Quốc hội - nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn.

Đề xuất giảm thuế GTGT 2% được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh sức mua thị trường còn chậm. Từ giữa năm 2023, nhiều ý kiến của các chuyên gia, DN, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2024.

Hiện tại, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, thuế GTGT đang được giảm 2% (áp dụng từ ngày 1-7 đến 31-12-2023). Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, sau 3 tháng thực hiện (từ tháng 7 đến tháng 9-2023), chính sách giảm 2% thuế GTGT đã hỗ trợ cho người dân và DN tổng cộng 11.700 tỉ đồng. Qua đó, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, đa số người tiêu dùng không quan tâm đến mức giảm thuế GTGT. Sáng 17-10, anh Nguyễn Trung Thanh (ngụ quận 8, TP HCM) ghé một nhà hàng quen thuộc dưới chân cầu chữ Y, mua 4 phần ăn trị giá hơn 250.000 mang về. Cũng như những khách hàng khác, anh Thanh trả tiền mặt, chủ tiệm thu tiền và không xuất hóa đơn hay phiếu thu. "Chỗ này bán quanh năm suốt tháng chỉ có một giá nên không ai để ý là có hay không có thuế GTGT trong đó" - anh Thanh cho biết.

Chị Diệp Thanh Tuyền, quản lý chuỗi quán chay Bông Súng (TP HCM), cho biết thỉnh thoảng, một số khách hỏi "có được giảm 2% GTGT không" nhưng chủ yếu hỏi cho biết chứ không quan tâm đến tổng số tiền được giảm. Vì thực tế, khách đến nhà hàng chủ yếu là khách quen, một bữa ăn vài trăm ngàn đồng, được giảm thuế 2% GTGT thì không phải số tiền quá lớn.

Theo chị Tuyền, mức giảm thuế GTGT 2% chỉ hấp dẫn đối với khách đi theo nhóm/đoàn từ 10 người trở lên. Do đó, thay vì trông chờ giảm thuế, Bông Súng giữ ổn định giá bán, giữ nguyên khẩu phần/định lượng trên từng món ăn, chăm chút dịch vụ, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm để giữ chân và thu hút thêm khách hàng.

Tương tự, tại các siêu thị hay cửa hàng, khách hàng vẫn hạn chế chi tiêu, họ chủ yếu mua hàng theo nhu cầu, xem mặt hàng đó có được khuyến mãi nhiều hay ít chứ ít người để ý đến việc có được giảm thuế GTGT hay không.

Nhiều ý kiến đề xuất cần giảm thuế GTGT mạnh hơn mới mong kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: TẤN THẠNH

Cần chính sách mạnh tay hơn

Theo giới chuyên môn, với các khoản chi tiêu nhỏ, trị giá vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, giá trị nhận được sau khi giảm 2% thuế suất thuế GTGT là rất thấp nên không đủ tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ khi trị giá đơn hàng lớn, số tiền tiết kiệm được từ giảm thuế mới thấy rõ.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho rằng về mặt lý thuyết, giảm thuế GTGT tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Thế nhưng, thực tế phần lớn khách hàng chưa cảm nhận được rõ ràng lợi ích đó.

"Ví dụ, 1 chai mật ong giá 100.000 đồng cộng thuế GTGT 10% nữa là 110.000 đồng, nay giảm còn 108.000 đồng. Mức chênh lệch giá quá ít nên không đủ kích thích khách hàng bỏ tiền ra mua. Việc kéo dài thời hạn giảm thuế GTGT là cần thiết nhưng nếu có thể nâng mức giảm thuế lên 5%, chai mật còn 105.000 đồng sẽ kích cầu tốt hơn" - ông Vũ phân tích.

Tương tự, các DN phân phối, bán lẻ cũng đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế GTGT song song với tăng % thuế suất được giảm để gia tăng hiệu quả kích cầu.

Thực tế từ đầu năm đến nay, do giá nguyên liệu các ngành sản xuất đều tăng, biến động tỉ giá, giá xăng dầu... nên giá cả hàng hóa có xu hướng đi lên, người tiêu dùng chưa cảm nhận được tác động hỗ trợ của việc giảm thuế GTGT 2%.

Dù vậy, chính sách này tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng, cho thấy sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước. "Về tổng thể, việc giảm thuế GTGT giúp giảm chi phí cho DN nên mang giá trị tích cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn" - ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing hệ thống MM Mega Market, bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng duy trì chính sách giảm thuế GTGT 2% là cần thiết và nên kéo dài đến hết năm 2024, đồng thời nếu mạnh tay hơn có thể giảm mức thuế suất này tới 5% để kích cầu.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế GTGT đến hết năm 2025 để kích cầu. Ông Cung cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ. Bởi đang có quá ít chính sách tài khóa được triển khai nhằm hỗ trợ DN, còn các gói hỗ trợ lại khá nhiều nhưng hiệu quả đạt thấp, chưa như kỳ vọng.

Một "điểm nóng" khác liên quan đến thuế, theo các chuyên gia là cần gỡ ngay những vướng mắc để sớm hoàn thuế GTGT cho DN. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng cần tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác đã ban hành, nhất là chính sách hoàn thuế GTGT, để góp phần phục hồi thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thống kê cho thấy kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng bởi chỉ cần tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Sức mua giảm trở lại

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 524.600 tỉ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng phục hồi tiêu dùng, bán lẻ.

Tuy nhiên, theo các DN, sau mùa khai giảng, sức mua đang rớt xuống thấp do nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu. Số DN phá sản, tạm ngưng hoạt động trung bình hơn 15.000 DN mỗi tháng, dẫn đến số lao động mất việc làm hoặc bị giảm giờ làm, giảm thu nhập gia tăng.

"DN đã làm rất nhiều cách để kích cầu như tiết kiệm chi phí, tăng khuyến mãi, chăm sóc khách hàng... nhưng với nguồn tài chính có hạn, họ không thể kéo dài hoạt động kích cầu. Vì vậy, rất cần các chính sách của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu" - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên bộc bạch.

Tác giả: Thanh Nhân - Thái Phương

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP