Tăng chi phí giải phóng mặt bằng
Dự án được bố trí nguồn vốn đầu tư công lớn từ trung ương, khởi công từ tháng 1/2022. Dự án thành phần 1 - đường ven biển có tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, với chiều dài 86 km đi qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Đây là dự án động lực, trọng điểm của tỉnh Quảng Bình do Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng thêm hơn 200 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ giải phóng mặt bằng tại một số địa phương, đặc biệt là TP. Đồng Hới, còn thấp, chỉ đạt chưa đầy 70%. Nhiều doanh nghiệp và hộ dân dù sẵn sàng bàn giao đất nhưng vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc về đơn giá bồi thường.
Cụ thể, Công ty TNHH Thủy sản Hưng Biển là một trong những đơn vị nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, đã dừng hoạt động từ năm 2022 và sẵn sàng bàn giao đất. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này cùng một số đơn vị nuôi trồng thủy sản khác và 4 hộ dân tại TP. Đồng Hới vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng hơn 2km chiều dài tuyến do chưa thống nhất về đơn giá bồi thường.
Ông Nguyễn Văn Hoãn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hưng Biển - cho biết: “Khi có chủ trương đầu tư tuyến đường này, doanh nghiệp chúng tôi rất ủng hộ. Ban giám đốc cũng rất quan tâm và đã chủ động cắm mốc bàn giao. Chúng tôi cũng đã phối hợp với ban đền bù để kiểm đếm tài sản trong và ngoài vùng giải phóng mặt bằng, kê khai đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở đơn giá bồi thường, hiện chưa có quy định cụ thể đối với trang trại nuôi trồng thủy sản, nên vẫn đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt giá bồi thường phù hợp".
![]() |
Một số đoạn tuyến của dự án đường ven biển còn bị vướng khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thành Long |
Ông Nguyễn Văn Phong - Phụ trách thi công gói thầu XL-05 (Tập đoàn Sơn Hải) - chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu thi công từ tháng 2/2022, nhưng do vướng mặt bằng nên đến nay chỉ mới rải đá được khoảng 4km. Dự kiến, tuần tới sẽ tiến hành thảm bê tông nhựa. Ngoài ra, tại một số vị trí đã được bàn giao mặt bằng, đơn vị đang triển khai các hạng mục cầu, cống và đắp nền đường. Gần đây, nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương, một số hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình trong phạm vi dự án. Nếu thuận lợi, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thi công”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng giao thông (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết, tiến độ thi công các dự án chậm, nguyên nhân là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Hiện, kết quả thực hiện như sau: Dự án thành phần 1 - đường ven biển (thuộc dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3) đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được 72,53/80km (đạt 90,7%). Trong đó, phạm vi mặt bằng thi công bàn giao 71,06/80km (đạt 88,8%) nhưng bị ngắt quãng, không liên tục, gây khó khăn trong việc triển khai thi công của các nhà thầu; khối lượng xây lắp được 714/1.463 tỷ đồng (đạt 49%).
Tại các gói thầu khác như Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (15,5km) và Nam Roòn - Quảng Phúc (21,9km), các nhà thầu đang khẩn trương triển khai sau thời gian dài đình trệ vì vướng mặt bằng. Tương tự, tại gói Nam Roòn - Quảng Phúc, chính quyền địa phương cũng đang tích cực bàn giao phần mặt bằng còn lại.
Gấp rút hoàn thành tiến độ dự án
Ông Vũ Quang Chiến - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư, xây dựng công trình giao thông (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình), việc xác định giá bồi thường cho các trang trại nuôi trồng thủy sản đang gặp vướng mắc.
“Tính liên hoàn của các trang trại đã được hội đồng cấp tỉnh cho ý kiến. Bây giờ trách nhiệm của các địa phương là xác định mức giá bồi thường hợp lý. Hiện nay, giá bồi thường cho loại hình này chưa có trong bảng giá quy định, vì vậy, các đơn vị liên quan phải lập và phê duyệt mức giá bồi thường mới để sớm giải quyết vấn đề mặt bằng” - ông Chiến cho hay.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Bình đã thành lập ba tổ công tác do ba phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phụ trách, tập trung giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ bồi thường và giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, một số hộ dân tại thôn Hải Ninh, huyện Quảng Ninh đã tự nguyện tháo dỡ công trình trong phạm vi dự án, tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Với tổng chiều dài 80km và tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng, dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình có vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng và thúc đẩy du lịch ven biển. Mặc dù thời gian không còn nhiều, theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026, nhưng tỉnh đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào cuối năm nay. Điều này đặt ra áp lực lớn đối với các địa phương và nhà thầu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt từ các bên liên quan để đảm bảo dự án về đích đúng hạn, mang lại lợi ích cho người dân và địa phương.
Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ phát huy khả năng liên kết thông suốt giữa các vùng trong tỉnh; đồng thời kết nối giữa các tỉnh Bắc Trung bộ. Qua đó, khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút đầu tư; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; giải quyết ách tắc giao thông. |
Tác giả: Thành Long
Nguồn tin: congthuong.vn