Kinh tế

Dự báo nợ công toàn cầu có thể đạt 115% GDP

Trong kịch bản nợ xấu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nợ công có thể đạt 115% GDP toàn cầu trong 3 năm tới. Nguy cơ vỡ nợ vẫn là thách thức thường trực, chưa được giải quyết triệt để tại nhiều nước thu nhập thấp.

Triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảm đạm

Theo đánh giá của các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể vào năm 2025, với 56% các nhà kinh tế trưởng được khảo sát dự đoán các điều kiện sẽ suy yếu.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm, bất định, khó lường và rủi ro gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)

Nền kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ được 44% các nhà kinh tế trưởng dự đoán mức tăng trưởng kém lạc quan hơn so với các nền kinh tế lớn khác. Châu Âu tiếp tục được xếp hạng là khu vực yếu nhất trong năm thứ 3 liên tiếp, với gần 3/4 (74%) các nhà kinh tế trưởng dự đoán mức tăng trưởng yếu hoặc rất yếu.

Trong khi đó, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm và năng suất yếu hơn, điều này càng cho thấy tính chất không đồng đều và không chắc chắn của bất kỳ sự phục hồi toàn cầu nào.

Chuyên gia Aengus Collins, người phụ trách vấn đề tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế của WEF cho biết nền kinh tế toàn cầu đang chịu áp lực đáng kể. “Triển vọng tăng trưởng đang ở mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ và những diễn biến chính trị cả trong nước và quốc tế làm nổi bật chính sách kinh tế đang gây tranh cãi. Trong bối cảnh này, việc nuôi dưỡng tinh thần hợp tác sẽ đòi hỏi nhiều cam kết và sáng tạo hơn bao giờ hết,” ông Aengus Collins nói.

Ngoài triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảm đạm, Báo cáo Triển vọng của các nhà kinh tế trưởng WEF còn cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với sự liên kết kinh tế của thế giới. Đại đa số người được hỏi (94%) dự đoán thương mại hàng hóa sẽ tiếp tục bị phân mảnh trong 3 năm tới, trong khi 59% cho rằng thương mại dịch vụ sẽ đi theo con đường tương tự hiện nay.

Hơn 3/4 cũng thấy trước những rào cản cao hơn đối với sự dịch chuyển lao động, trong khi gần 2/3 cho thấy những hạn chế ngày càng tăng đối với công nghệ và chuyển giao dữ liệu. Về lĩnh vực tài chính, chưa đến một nửa (48%) dự kiến ​​sẽ có sự gia tăng tình trạng phân mảnh, phản ánh vai trò then chốt của các dòng tài chính xuyên biên giới trong các nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, những diễn biến chính trị trong nước và quốc tế, việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng và những lo ngại về an ninh vẫn còn rất lớn.

Những thay đổi này có thể sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng lên cao trong 3 năm tới. Các phản ứng của doanh nghiệp trước sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ bao gồm tái cấu trúc chuỗi cung ứng (91%), khu vực hóa hoạt động (90%) và tập trung vào các thị trường cốt lõi (79%).

Gần một nửa (48%) các nhà kinh tế trưởng dự đoán khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng vào năm 2025, nhấn mạnh khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đa số cho rằng căng thẳng thương mại sẽ gia tăng, cả giữa các cường quốc và trên phạm vi rộng hơn. Chủ nghĩa bảo hộ được xác định là yếu tố chính sẽ thúc đẩy những thay đổi lâu dài đối với mô hình thương mại toàn cầu, cùng với những tác nhân nổi bật khác bao gồm xung đột, lệnh trừng phạt và những lo ngại về an ninh quốc gia. Khoảng 82% số người được hỏi dự đoán thương mại sẽ có xu hướng khu vực hóa mạnh mẽ hơn trong 3 năm tới, cùng với sự chuyển đổi dần dần từ hàng hóa sang dịch vụ.

Nhiều nền kinh tế lớn nhiều khả năng không thể giữ đà tăng trưởng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều giảm tốc, trong đó Mỹ dự báo tăng trưởng hạ xuống còn 2,2% trong năm 2025, Trung Quốc là 4,5%. Khu vực đồng euro đã “chạm đáy” và được cho là sẽ phục hồi trong thời gian tới, nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp 1,2%.

Ông Indermit Gill, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt 2,7% trong năm nay và năm tới - tỷ lệ tương tự như năm 2024. Đó là dưới mức 3,1% trung bình phổ biến trong thập kỷ trước đại dịch Covid-19. Song, ông Indermit Gill cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực như: sự suy giảm dự kiến ​​trong cả lạm phát và lãi suất.

Lạm phát có tín hiệu tích cực trong năm 2025. (Ảnh minh họa)

Các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới

Mặc dù lạm phát tiếp tục xu hướng giảm nhưng nợ công duy trì ở mức cao do gia tăng nhu cầu vay để thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chuyển đổi xanh, giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu về già hóa dân số và đảm bảo ngân sách quốc phòng trong bối cảnh bất ổn gia tăng.

Nợ công toàn cầu ước đạt 93% GDP toàn cầu, tương ứng với 100 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2024, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử.

Trong kịch bản nợ xấu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nợ công có thể đạt 115% GDP toàn cầu trong 3 năm tới. Nguy cơ vỡ nợ vẫn là thách thức thường trực, chưa được giải quyết triệt để tại nhiều nước thu nhập thấp.

Đáng lưu ý, xung đột vũ trang tiếp tục diễn biến phức tạp, là rủi ro thường trực lớn nhất đối với kinh tế thế giới. Cùng với đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ lụt gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa ổn định chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, tạo biến động về giá hàng hóa thiết yếu.

Ngoài ra, cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.

Theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc (UN), tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức 2,8% vào năm 2025, không thay đổi so với năm 2024, bị kìm hãm bởi hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc.

Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với mức trung bình 3,2% của giai đoạn 2010–2019 (trước đại dịch Covid-19). (Ảnh minh họa: KT)

Tăng trưởng toàn cầu đang ổn định khi lạm phát trở lại gần mục tiêu hơn và việc nới lỏng tiền tệ hỗ trợ hoạt động ở cả hai nền kinh tế. IMF dự báo lạm phát trung bình năm 2025 là 4,3%, giảm từ 5,8% vào năm 2024. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ vẫn cao hơn lạm phát hàng hóa, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng dường như không đủ để bù đắp thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới. lạm phát cao hơn, nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng yếu hơn ở các nền kinh tế lớn.

Do đó, cần có nỗ lực chính sách toàn cầu để bảo vệ thương mại, giải quyết các lỗ hổng nợ và chống biến đổi khí hậu. Các nhà hoạch định chính sách quốc gia cần kiên quyết theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả cũng như tăng thuế thu và hợp lý hóa chi tiêu để đạt được sự bền vững tài chính và tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết.

Tác giả: Trần Ngọc

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP