Tin địa phương

Dự án Đường ven biển: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ - Bài 1: Mặt bằng thi công bị ngắt quãng

Đường ven biển tỉnh Quảng Bình là dự án trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối thông suốt về hạ tầng giao thông và đóng vai trò quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là du lịch, dịch vụ biển, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo. Đồng thời, kết nối vùng ven biển của Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn đang gặp không ít vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án đường ven biển của tỉnh Quảng Bình do Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 24/1/2022, với 3 đoạn tuyến có tổng chiều dài 80km, gồm: Đoạn Nam Roòn-Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam cầu Lý Hòa-Quang Phú dài 15,5km và đoạn Hà Trung-Mạch Nước dài 42,6km.

Nhà thầu vừa thi công vừa chờ mặt bằng

Trong những ngày tháng 4, phóng viên có mặt trên công trường nhiều đoạn tuyến của dự án đường ven biển. Con đường đã hiện rõ hình hài trên nền cát trắng, chạy xuyên qua các đồi cát và các cụm dân cư ven biển. Nhiều công trình cầu, cống đã hoàn thành và số còn lại đang tiếp tục được triển khai thi công.

Tại gói thầu xây lắp XL-04, đoạn Nam cầu Lý Hòa-Quang Phú, các mũi thi công đang được liên danh nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương-Công ty CP Hải Đăng-Công ty CP Cầu đường 10 huy động, tích cực triển khai thi công trên mặt bằng được bàn giao. Đây cũng là gói thầu hiện có tiến độ tốt nhất của dự án, trong đó có cầu Sông Dinh, công trình đã thi công hoàn thành phần cầu sớm nhất trên tuyến, hiện đang chờ thi công các mố để đấu nối với đường hai đầu cầu.

Nhiều đoạn tuyến của dự án đường ven biển đã được nhà thầu thi công cấp phối đá dăm loại 1.

Đang chỉ huy thi công trên tuyến, kỹ sư Nguyễn Mạnh Linh (Công ty CP Hải Đăng) cho biết, trong toàn bộ gói thầu XL-04, đơn vị đảm nhiệm hơn 10,3km. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung thi công ở những mặt bằng đã được chủ đầu tư bàn giao. Đến thời điểm này đã hoàn thành thi công móng cấp phối đá dăm loại 2 từ Km3-Km10, móng cấp phối đá dăm loại 1 từ Km7-Km10; phần nền K95 đã thi công từ Km2+100-Km3. Trên đoạn tuyến, nhiều vị trí cũng đã thi công gia cố mái taluy, trồng cỏ để hạn chế xói lở. Khối lượng thực hiện của đơn vị đã đạt khoảng 50% giá trị hợp đồng.

“Đơn vị đang tập trung thi công hệ thống thoát nước dọc, đúc các cấu kiện, thi công chân khay các vị trí gia cố mái taluy. Dự kiến, sau lễ 30/4, nhà thầu sẽ thảm lớp bê tông nhựa”, kỹ sư Nguyễn Mạnh Linh cho hay.

Tại đoạn tuyến Hà Trung-Mạch Nước, đi qua địa phận TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, gồm có 2 gói thầu, trong đó gói XL-05 do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải-Tập đoàn CK4-Công ty cầu II đảm nhiệm và gói thầu XL-06 do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đảm nhiệm, các nhà thầu cũng đang tập trung thi công trên diện tích mặt bằng đã được bàn giao.

Đại diện phía nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, gói thầu XL-05 có chiều dài 22km, hiện tại nhà thầu đã thi công móng cấp phối đá dăm loại 2 được 6km và đang triển khai đắp đất K95, K98 ở Km25.

Ở gói thầu xây lắp XL-06, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, ông Phạm Duy Trực, Phó tổng giám đốc cho biết: Gói thầu có tổng chiều dài hơn 21km, Km27+123-Km48+480 đi qua 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy). Trên mặt bằng được bàn giao, đơn vị đã triển khai thi công hệ thống cầu, rải lớp base 4km, đắp đất K95, và hiện đang tập trung triển khai thi công các cống ngang, cống hộp trên tuyến.

Mặt bằng "xôi đỗ", khó thi công

Dự án thành phần 1-Đường ven biển thuộc dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 có tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2026. Tổng diện tích đất thu hồi 199,33ha, đi qua địa bàn 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tại các địa phương đã phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường, GPMB được 70,78/80km, đạt 88,5%. Trong đó, phạm vi có mặt bằng thi công được 63,38km, đạt 79,2%. Cụ thể, huyện Quảng Trạch đã phê duyệt 8,9/10,2km, đạt 87,3%; mặt bằng thi công được đạt 87,3%. TX. Ba Đồn đã phê duyệt 11,38/11,7km, đạt 97,26%; mặt bằng thi công đạt 91,19%. Huyện Bố Trạch đã phê duyệt 13,5/14,2km, đạt 95,1%; mặt bằng thi công đạt 95,1%. TP. Đồng Hới đã phê duyệt 3,95/5,955km, đạt 66,3%; mặt bằng thi công 3,95km, đạt 66,3%. Huyện Quảng Ninh đã phê duyệt 11,03/11,131km, đạt 99,09%; mặt bằng thi công đạt 92,3%. Huyện Lệ Thủy đã phê duyệt 22,02/26,785km, đạt 82,21%; mặt bằng thi công đạt 60,1%.

Nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh thi công các cống ngang, cống hộp trên tuyến.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, là dự án có khối lượng GPMB lớn, phức tạp nên sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án đường ven biển vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ, gây khó khăn cho các nhà thầu trong triển khai phương án thi công. Cụ thể là, hiện dự án đang gặp vướng đối với các phạm vi có chuyển mục đích sử dụng rừng, trang trại nuôi trồng thủy sản (NTTS). Công tác tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, di dời lăng mộ trên tuyến cũng chưa hoàn thành.

Trao đổi với phóng viên, đại diện nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, hiện nay đơn vị rất cần có thêm mặt bằng để triển khai thi công, tuy nhiên còn vướng mặt bằng ở nhiều vị trí. Cụ thể, đoạn phía Nam FLC có 20 hộ đang chờ xác minh nguồn gốc đất, phía Bắc FLC vướng 6 ngôi mộ và các hộ NTTS. “Chúng tôi rất mong chủ đầu tư và chính quyền địa phương sớm tháo gỡ các vướng mắc về GPMB để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công. Với năng lực thi công của đơn vị, chỉ cần có đủ mặt bằng là chúng tôi triển khai ngay các mũi thi công, đồng thời cam kết luôn bảo đảm chất lượng và tiến độ”, đại diện nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho hay.

Do thiếu mặt bằng thi công nên tiến độ giải ngân nguồn vốn của dự án đường ven biển chậm. Hiện tại, dự án chỉ mới giải ngân được hơn 14 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 (chưa bao gồm kế hoạch vốn 2023 kéo dài), đạt tỷ lệ 6%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 1,7 tỷ đồng (đạt 1%); nguồn ngân sách địa phương gần 12,2 tỷ đồng (đạt 17,4%).

Tương tự, tại gói thầu xây lắp XL-04, XL-06 và các gói thầu khác, các nhà thầu cũng đang chờ có thêm mặt bằng để triển khai thi công, nhằm bảo đảm khối lượng và sử dụng hiệu quả phương tiện máy móc, nhân lực đã huy động, nhất là trong thời điểm thời tiết hết sức thuận lợi này.

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Linh, chỉ huy công trường của nhà thầu Công ty CP Hải Đăng cho biết: Phương tiện, máy móc, nhân lực của công ty luôn túc trực sẵn sàng, chỉ mong có thêm mặt bằng là triển khai thi công nhanh, nhằm đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm khối lượng theo hợp đồng ký kết.

“Đến thời điểm này, khối lượng đã nghiệm thu và đã thi công dang dở chưa nghiệm thu của gói thầu XL-06 mới chỉ đạt khoảng 25% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân là do gặp các vướng mắc về thống nhất phương án giải quyết đối với tài sản tạo lập trên đất rừng, công tác tái định cư, đền bù các trang trại NTTS, rà soát về thủ tục quy chủ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kiến nghị nhà sát mốc chưa giải quyết xong”, đại diện nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cho biết.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP