Trong nước

Đối thoại với dân là "nguyên tắc" trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đại biểu Quốc hội kiến nghị, việc đối thoại với dân phải được thực hiện nghiêm túc, cầu thị chứ không theo kiểu chiếu lệ, làm cho xong chuyện.

Thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 trong phiên họp sáng nay 14/11, đại biểu Tô Văn Tám – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo gia tăng là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Ở một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, nhất là cấp huyện, xã. Những nơi này chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa xem xét giải quyết vấn đề từ gốc và có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm về vấn đề này.

“Nếu xem xét giải quyết kịp thời, đúng chính sách, có tình, có lý ngay từ đầu thì người dân đồng tình. Ngược lại sẽ dẫn đến phức tạp và khiếu nại, tố cáo vượt cấp” – ông Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum

Phân tích trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, nhiều chính sách có phần “đụng chạm” như thu hồi đất, tác động đến lợi ích và sinh kế của người dân, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ làm phát sinh nhiều khiếu kiện, ông Tô Văn Tám cho rằng, việc Chính phủ nhận định khiếu nại, tố cáo thời gian tới vẫn còn phức tạp là dự báo đúng.

Đề cập giải pháp cho vấn đề này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum nhấn mạnh đến công tác đối thoại. Theo ông, người dân thường thiếu thông tin nên đôi khi có nhận thức sai lệch. Đối thoại sẽ mang lại thông tin đầy đủ, chính xác, qua đó các bên hiểu thái độ, thiện chí để đồng thuận, có giải pháp.

“Đối thoại phải được coi như nguyên tắc của giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc đối thoại phải được thực hiện nghiêm túc, cầu thị chứ không theo kiểu chiếu lệ, làm cho xong chuyện” – ông Tô Văn Tám nói và đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý cho sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong trợ giúp pháp lý cho người dân.

Trong phiên thảo luận sáng nay 14/11, vấn đề tiếp công dân, chất lượng các buổi tiếp dân tiếp tục làm nóng hội trường.

Phản ánh tình trạng tiếp dân còn hình thức, chưa thực chất, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre dẫn chứng, có địa phương, Chủ tịch tỉnh dành 9 phút để tiếp công dân khiến người dân vô cùng thất vọng. Đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định phản ánh, ở nhiều nơi, người dân bức xúc đôi khi không phải do vụ việc của mình chưa được giải quyết thấu đáo mà do thái độ của cán bộ tiếp dân không đúng mực.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu (Ảnh:Quochoi.vn)

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Rà Rịa-Vũng Tàu, tâm lý người đi khiếu kiện là mong muốn được gặp người đứng đầu, người có thẩm quyền để họ trình bày sự việc, dù có thể giải quyết được hay không. Tuy nhiên, tình trạng khá phổ biến hiện nay là lãnh đạo ủy quyền cho cấp phó hoặc thanh tra.

Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Thanh tra Chính phủ quy định chặt chẽ hơn việc tiếp công dân, tập huấn thường xuyên về cách thức, kỹ năng xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài. Việc tập huấn cũng phải thực chất, không chỉ dựa trên các văn bản hướng dẫn mà phải “cầm tay, chỉ việc”, nhất là những nơi làm tốt thì nên chia sẻ kinh nghiệm với những nơi làm chưa tốt. Nhất trí với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn Ninh Thuận đề nghị, trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng nên có “vụ việc mẫu” giống như “án lệ” trong công tác xét xử./.

Tác giả: Quốc Phong

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP