Tin địa phương

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại xã Thanh Trạch

Sáng nay, 14/6, đoàn giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại điểm giao dịch xã Thanh Trạch (Bố Trạch) về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư.

Tham gia buổi làm việc, về phía lãnh đạo tỉnh có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Bố Trạch và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của lãnh đạo xã Thanh Trạch, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian qua, Ngân hàng CSXH và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn xã đã phối hợp chặt chẽ để quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách (TDCS).

Đến nay, trên địa bàn xã đã và đang thực hiện 10 chương trình tín dụng từ Ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã cho vay tại tất cả các thôn, xóm trong xã. Trong những năm qua, số hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã sử dụng vốn hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo xã Thanh Trạch báo cáo kết quả thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Nhiều hộ dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến thủy, hải sản, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, chuyển đổi vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nguồn vốn TDCS đã góp phần bảo đảm an sinh xã hộị, làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn của xã.

Theo đó, tổng dư nợ đến 31/12/2022 đạt 16,4 tỷ đồng với hơn 600 hộ còn dư nợ. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 89 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn với doanh số cho vay đạt 2,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt gần 18 tỷ đồng (tăng gần 1,5 tỷ đồng so với đầu năm) với 626 khách hàng dư nợ (chiếm 20% số hộ trên địa bàn), bình quân 1 khách hàng dư nợ 28,6 triệu đồng.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, yêu cầu lãnh đạo xã Thanh Trạch làm rõ một số chỉ tiêu chương trình tín dụng và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác.

Đại diện lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng đã chia sẻ những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại của hoạt động TDCS sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Đồng chí Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trưởng đoàn giám sát Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trưởng đoàn giám sát Đỗ Ngọc An nhấn mạnh về ý nghĩa, mục đích của Chỉ thị số 40 đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được tại xã Thanh Trạch, đồng chí nhấn mạnh: Xã Thanh Trạch đã huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn TDCS xã hội.

Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách đã có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo; nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây mới và sửa chữa, nâng cấp; số lượng người được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tăng lên so với những năm trước đây.

Đoàn giám sát kiểm tra hoạt động điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Thanh Trạch.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền xã và sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, nguồn vốn TDCS đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn xã Thanh Trạch.

Đồng chí Đỗ Ngọc An ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo xã Thanh Trạch liên quan đến việc mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ có thu nhập trung bình ở nông thôn và lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời, yêu cầu Ngân hàng CSXH Việt Nam xem xét, nghiên cứu tham mưu để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tác giả: Hiền Chi

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP