Giáo dục

Điểm chuẩn xét học bạ 15 - 16 điểm: Đầu vào chưa cao, đầu ra có thấp?

Nhiều trường đại học công bố mức điểm chuẩn xét học bạ năm nay ở mức 15 - 16 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển.

Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo các chuyên gia giáo dục, hạ thấp đầu vào có thể mở thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhiều học sinh nhưng cần đảm bảo được chất lượng đầu ra.

Dễ dàng vào đại học

Đầu tháng 4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định (GDU) công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm hệ đại học chính quy năm 2024 đối với phương thức xét học bạ THPT. Theo đó, điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm cho 49 ngành/chuyên ngành là 16,5 điểm. Như vậy, thí sinh cần đạt bình quân 5,5 điểm/môn đã trúng tuyển trường này.

Cùng thời điểm này, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cũng công bố mức điểm chuẩn xét tuyển sớm theo kết quả học bạ THPT. Đối với phương thức xét học bạ có 3 hình thức là xét điểm trung bình tổ hợp môn cả năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12; xét điểm trung bình học kỳ I lớp 12 tổ hợp môn; xét điểm trung bình các môn năm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển. Theo đó, điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm dao động từ 15 - 22 điểm đối với 18 ngành trình độ đại học.

Trong khi đó, Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội) công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy đợt 1 năm 2024 bằng phương thức xét học bạ từ 15 - 17 điểm. Cụ thể, với 3 ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang chỉ lấy 15 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên. Các ngành còn lại (trừ khối sức khỏe) lấy 17 điểm. Như vậy, thí sinh chỉ cần 5 đến dưới 6 điểm/môn là trúng tuyển đại học.

Ngoài ra, trong khoảng tháng 3 - 5 vừa qua, hàng loạt trường đại học công bố mức điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức học bạ là 18 điểm ở nhiều ngành như Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Trung bình, thí sinh cần đạt 6 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển là đủ điều kiện trúng tuyển.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 6/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Cần nỗ lực của người học và nhà trường

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho hay, xu hướng chung hiện nay, hầu hết trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Trong đó, các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (xét tuyển học bạ) được nhiều thí sinh quan tâm đăng ký vì có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, theo bà Dung, dù sử dụng phương thức xét tuyển nào cũng nên có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để thuận tiện trong quá trình đào tạo cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên.

Theo quy định tuyển sinh hiện hành, căn cứ yêu cầu bảo đảm chất lượng, cơ sở đào tạo xác định và công bố ngưỡng đầu vào cho các ngành, nhóm ngành và phương thức tuyển sinh (ngoại trừ các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT).

Trên thực tế, đa số trường thực hiện xét tuyển học bạ theo ngưỡng điểm nhận hồ sơ với điểm trung bình từng môn học trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6.

“Việc hạ điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ ở mức 15 - 16 điểm của một số trường đại học, dù có ý nghĩa mở rộng cơ hội học tập cho học sinh nhưng có thể gây ra một số bất lợi cho quá trình đào tạo của nhà trường cũng như học tập của sinh viên khi vào học chính thức”, bà Dung nói.

Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đầu vào 15 - 16 điểm xét tuyển học bạ là quá thấp. Trong khi đó, nếu điểm đầu vào thấp, việc đảm bảo chất lượng đầu ra cho các tân cử nhân, kỹ sư là thách thức với trường đại học.

Một trưởng phòng đào tạo ở trường đại học công lập TPHCM cho rằng, cần xem điểm số là thước đo quan trọng thể hiện chất lượng nguồn tuyển sinh. Theo đó, đầu ra của sinh viên phụ thuộc nhiều vào chất lượng đầu vào cộng với quá trình đào tạo. Nếu đầu vào quá thấp, sinh viên phải nỗ lực học tập rất nhiều, nhà trường nỗ lực đào tạo hơn.

Trong khi đó, ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho rằng, trong những năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển phổ biến ở nhiều trường đại học, cao đẳng. Mỗi năm số trường áp dụng phương thức này để tuyển sinh có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, xét học bạ có những ưu điểm riêng.

“Nếu đánh giá xét học bạ với mức điểm thấp thì chất lượng đầu vào kém, ảnh hưởng đến đầu ra, điều này cũng cần nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau”, bà Bích nói và lý giải: Một số thống kê gần đây của nhiều trường đại học, bao gồm cả trường công lập uy tín cho thấy, chất lượng học tập trong quá trình học đại học hay tỷ lệ tốt nghiệp xếp loại tốt mà có nguồn đầu vào từ phương thức xét học bạ được đánh giá tương đương hoặc tiệm cận một số phương thức khác. Kết quả này cũng phản ánh một phần nào đó câu chuyện đầu vào chưa cao, không có nghĩa đầu ra thấp.

Đồng quan điểm này, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, đầu vào đại học 15 - 16 điểm xét tuyển học bạ là bình thường. “Thí sinh có 2 hướng xét tuyển vào đại học.

Thứ nhất là xét tuyển vào các trường tốp trên với định hướng nghiên cứu, thứ hai các trường định hướng ứng dụng. Với hướng ứng dụng, sinh viên chỉ học những kiến thức mang tính chất ứng dụng chứ không có tính nghiên cứu. Do đó, tôi cho rằng việc các trường xét tuyển 15 - 16 điểm với học bạ là bình thường”, ông Sơn nhận xét.

Đầu năm 2024, Trường Đại học Công Thương TPHCM công bố thống kê kết quả xếp loại tốt nghiệp của sinh viên theo các phương thức tuyển sinh từ năm 2019 - 2023. Theo đó, với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc đạt 0,21%; giỏi 6,56%; khá 69,24% và trung bình 23,98%.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT tương ứng là 0,24%; 5,44%; 65,12%; 29,2%. Nhà trường nhận định, kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tương đương sinh viên tuyển bằng phương thức xét học bạ.

Tác giả: Quốc Hải - Lê Nam

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP