Xã hội

Đỉa trâu sống trong cổ họng nhiều ngày

Con đỉa trâu sống trong cổ họng bà T. nhiều ngày khiến bệnh nhân khò khè, khó thở. Khi gắp ra, con đỉa to bằng ngón tay.

BS Hà Thị Thủy, khoa Tai mũi họng, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khoa vừa gắp con đỉa dài 10cm, to bằng ngón tay trong khí quản bệnh nhân Triệu Thị T., 53 tuổi (Tân Sơn, Phú Thọ). Bệnh nhân T. là người dân tộc Dao, bị câm điếc bẩm sinh.

Từ giữa tháng 10, bệnh nhân đã ra hiệu cho người nhà có gì vướng trong cổ họng. Sau đó bà T. được đưa tới BV huyện khám nhưng không gắp được gì.

Con đỉa dài 10cm, to bằng ngón tay được gắp ra khỏi khí quản bệnh nhân

Khi đến BV tỉnh, BS nội soi phát hiện trong thanh quản bà T. có dị vật di chuyển lúc lên lúc xuống. Khi dùng ánh sáng soi, dị vật lại chui sâu xuống khí quản.

Khi gây tê, dị vật lại tiếp tục co nhỏ rơi sâu xuống khiến bệnh nhân sặc sụa, khó thở. Cả ekip sau đó đã phải "mai phục” gần 1 giờ bằng phương pháp nội soi ống cứng mới lấy được dị vật là con đỉa trâu ra ngoài.

Theo người nhà, bà T. không có chồng con, khi đi rừng vẫn hay rửa mặt, uống nước suối.

BS Thủy cho biết, đỉa, vắt có kích thước nhỏ dễ chui vào cơ thể theo đường mũi, họng khi uống, tắm nước suối. Sau một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển lên rất nhanh.

Mũi ẩm ướt là môi trường sống tốt của đỉa. Nếu kích thước nhỏ, đỉa có thể chui tiếp vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi và do hít sâu nên có thể xuống tới phế quản.

Khi đỉa hút máu sẽ tiết ra chất làm máu không đông, có thể gây chảy máu xuống đường khí quản làm người bệnh khó thở, suy hô hấp, thậm chí tử vong hoặc đỉa to lên có thể làm hẹp đường thở.

Trường hợp phát hiện có đỉa sống ký sinh trong mũi, khí, phế quản, không được tự ý gắp hay xử lý bằng dung dịch mà phải có sự hướng dẫn, xử lý của BS.

Tác giả: T.Hạnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: gắp đỉa , dị vật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP