Trong nước

Đề xuất ký hiệp định với Hàn Quốc để khắc phục đóng bảo hiểm hai lần

Sáng 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, quy định áp dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện đang làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng. Người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam theo quy định của Luật BHXH Việt Nam, vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc. Người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam cũng phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH song trùng tương tự.

Để tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, chính phủ hai nước đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa hai nước. Việc tiến tới ký kết hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa chính phủ hai nước và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về BHXH trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, đây là hiệp định toàn diện về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam. Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ký hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH hai lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động mỗi nước, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong công ước quốc tế.

Đáng lưu ý, trong nội dung của dự thảo hiệp định có 2 nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Đó là chưa quy định về thời gian đóng BHXH ở nước ngoài vào tổng thời gian đóng BHXH làm căn cứ để hưởng chế độ hưu trí. Luật cũng chưa quy định về việc xác định mức lương hưu hàng tháng đối với lao động nữ có dưới 15 năm đóng BHXH và lao động nam có dưới 20 năm đóng BHXH trong trường hợp cộng gộp thời gian đóng.

Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu tại Việt Nam vẫn phải theo quy định của Luật BHXH Việt Nam. Cùng với đó, cần đánh giá tác động của hiệp định tới Quỹ BHXH của nước ta.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình đàm phán hiệp định này với phía Hàn Quốc từ cuối năm 2014, cho đến nay về cơ bản đã “gặp được nhau”. Bộ trưởng khẳng định sẽ đánh giá kỹ hơn tác động của hiệp định tới Quỹ BHXH, tuy nhiên, theo ông Dung, “tác động” không quá lớn so với tổng thu, kết dư của quỹ.

Tại phiên họp, có 18/18 Ủy viên Thường vụ Quốc biểu quyết đồng ý việc ký kết hiệp định về mặt nguyên tắc. Ủy ban Thường vụ cũng lưu ý, việc ký hiệp định BHXH giữa hai chính phủ phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị; sau khi có ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ LĐ-TBXH và các cơ quan có liên quan hoàn thiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này; đồng thời sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP