Kinh tế

Đề xuất biểu giá điện sinh hoạt còn 5 bậc, cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh

Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Dự thảo này do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng.

Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của EVN và đơn vị tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỉ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân hiện là là 2.006,79 đồng/KWh, được điều chỉnh từ ngày 9-11.

Bộ Công Thương đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn 5 bậc

Theo đó, bậc 1 (0 - 100 kWh); bậc 2 (101 - 200 kWh), Bậc 3 (201 - 400 kWh), bậc 4 (401- 700 kWh) và bậc 5 (701 kWh trở lên). Như vậy, phương án mới này đã gộp bậc 1 (0 - 50 kWh) và bậc 2 (51 - 100 kWh) hiện hành thành 1 bậc.

Bộ Công Thương đề xuất bậc 1 có giá 1.806,11 đồng/kWh (bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân); bậc 2 là 2.167,33 đồng/kWh (bằng 108% giá bán lẻ điện bình quân); bậc 3 là 2.729,23 đồng/kWh (bằng 136% giá bán lẻ điện bình quân); bậc 4 là 3.250,99 đồng/kWh (162% giá bán lẻ điện bình quân) và bậc 5 là 3.612,22 đồng/kWh (bằng 180% giá bán lẻ điện bình quân).

Theo Bộ Công Thương, thiết kế các bậc giá như trên nhằm giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 kWh, nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.

Bên cạnh đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh.Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 701 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh: Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sinh hoạt theo định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện với số bậc phù hợp với chênh lệnh giá điện hợp lý giữa các bậc.

Theo Bộ Công Thương, với phương án giảm còn 5 bậc, người dân sẽ dễ hiểu hơn. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Cùng với đó, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.

Cụ thể: Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần. Các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi.

Về nhược điểm của phương án này, Bộ Công Thương cho biết tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần. Lần gần nhất vào ngày 9-11, theo Quyết định 1416 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) - tăng 4,5% (86,42 đồng/kWh).

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân EVN đưa ra, Bộ Công Thương đã có Quyết định 2941 quy định giá bán điện, áp dụng từ ngày 9-11.

Theo quyết định này, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 - 50 KWh): 1.806 đồng (giá cũ 1.728 đồng); bậc 2 (51 - 100 KWh): 1.866 đồng (giá cũ 1.786 đồng); bậc 3 (101 - 200 KWh): 2.167 đồng (giá cũ 2.074 đồng); bậc 4 (201 - 300 KWh): 2.729 đồng (giá cũ 2.612 đồng); bậc 5 (301 - 400 KWh): 3.050 đồng (giá cũ 2.919 đồng); bậc 6 từ 401 KWh trở lên: 3.151 đồng (giá cũ 3.015 đồng).

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP