Pháp luật

Đề nghị Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng cho Vinasun

Chiều 23-10, đại diện Viện KSND TPHCM đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun, gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (gọi tắt là Grab).

Kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường một lần số tiền thiệt hại 41,2 tỷ đồng cho Vinasun

Đối với nội dung vụ kiện, nêu quan điểm về việc Grab có phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải tương tự Vinasun hay không, kiểm sát viên cho rằng: theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 7-1-2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24), Grab là đơn vị cung ứng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải; nhưng trong thực tế hoạt động và tài liệu, hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi, tranh tụng tại tòa cho thấy, Grab không đơn thuần là đơn vị bán phần mềm kết nối. Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu của Grab do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp ngày 14-2-2014, cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng như điều lệ của Grab đều thể hiện ngành nghề đăng ký kinh doanh của Grab có nội dung “vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt)”.

Thực tế, Grab đã lợi dụng Đề án 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi. Mặt khác, Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mại trên giá cước vận chuyển, trong đó có cả những chuyến xe 0 đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 năm từ 2014 đến 2017, Grab kinh doanh bị lỗ 1.726,2 tỷ đồng; trong đó phần lớn là chi phí tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại (trong khi vốn điều lệ của Grab chỉ có 20 tỷ đồng).

Từ những vi phạm nêu ra, kiểm sát viên cho rằng, Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun. Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Quốc Việt, có đến 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển qua sử dụng xe của Grab do giá cước rẻ và được hưởng các chương trình khuyến mại. Tại phiên tòa, đại diện theo pháp luật của Grab cũng thừa nhận doanh thu Grab tăng mỗi năm. Năm 2014 doanh thu của Grab chỉ đạt 1,5 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 doanh thu đạt 758 tỷ đồng, tăng lên 506 lần, tương ứng với hành khách của Grab tăng nhanh. Do vậy, kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường một lần số tiền thiệt hại 41,2 tỷ đồng cho Vinasun.

Hội đồng xét xử nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 29-10.

Tác giả: ÁI CHÂN

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: Đề nghị , vinasun , Grab , bồi thường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP