Pháp luật

Đất hiếm và những cán bộ nhúng chàm

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc bị cáo buộc đã ký giấy phép khai thác đất hiếm trái pháp luật, gây thiệt hại hơn 864 tỉ đồng

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 27 bị can trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm xảy ra tại tỉnh Yên Bái và các đơn vị liên quan.

Nhiều sai phạm

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương), về 3 tội: "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Gây ô nhiễm môi trường".

Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Linh Ngọc; Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT); Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái và 3 người khác cùng bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo kết luận điều tra, Công ty Thái Dương được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái) từ năm 2009. Đến tháng 5-2011, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin khai thác quặng đất hiếm nhưng chưa được thông qua.

Bị can Nguyễn Linh Ngọc (bìa trái hàng trên), Nguyễn Văn Thuấn (bìa phải hàng trên) cùng các bị can khác. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu. Công ty Thái Dương phải lập, bổ sung dự án "Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm" (dự án chế biến sâu đất hiếm), trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xin ý kiến Chính phủ. Sau khi Bộ Công Thương thẩm định dự án chế biến sâu đất hiếm, đã báo cáo Thủ tướng kết quả là khả thi. Do vậy, Chính phủ giao Bộ TN-MT thẩm định, cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Tại thời điểm tháng 6-2013, việc cấp phép được thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 nên dự án khai thác, chế biến sâu đất hiếm của Công ty Thái Dương đã thay đổi cả về quy mô và tính chất - không chỉ có dự án khai thác, tuyển quặng như khi xin cấp phép năm 2011. Dự án này phải gồm 3 thành phần không thể tách rời là "khai thác, tuyển quặng", "nhà máy thủy luyện Yên Bái" và "nhà máy chiết tách Hải Phòng". Tuy nhiên, trong hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương mới chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011, hết hạn năm 2012.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương chỉ có 200 tỉ đồng, không bảo đảm tỉ lệ vốn ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án (1.953 tỉ đồng) theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010.

Được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, bị can Nguyễn Văn Thuấn cùng các thuộc cấp dù biết Công ty Thái Dương không đủ điều kiện nhưng vẫn báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ TN-MT cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Bị can Nguyễn Linh Ngọc dù biết doanh nghiệp chưa đủ điều kiện được cấp phép nhưng vẫn ký giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương. Từ đó, dẫn đến trong thời gian từ năm 2019 đến tháng 10-2023, Công ty Thái Dương đã khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng.

Thừa nhận hành vi phạm tội

Tại cơ quan điều tra, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Cùng với đó, khẳng định bản thân không được hưởng lợi gì từ Đoàn Văn Huấn.

Còn bị can Nguyễn Văn Thuấn khai trong quá trình giúp Công ty Thái Dương xin giấy phép, được Đoàn Văn Huấn đến phòng làm việc "cảm ơn" 500 triệu đồng. Sau khi khởi tố vụ án, bị can Thuấn đã nộp lại số tiền này cho công an.

Cũng theo kết luận điều tra, sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Công ty Thái Dương đã không thực hiện đúng các nội dung theo quy định của pháp luật.

Biết những sai phạm của Công ty Thái Dương, Sở TN-MT tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, Sở TN-MT không tổ chức thanh tra, kiểm tra, không có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý để ngăn chặn, chấn chỉnh.

"Năm 2021, khi Công ty Thái Dương làm thủ tục xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, dù biết Công ty Thái Dương có nhiều vi phạm, các tồn tại và điều kiện của giấy phép chưa được doanh nghiệp này đáp ứng, song bị can Hồ Đức Hợp cùng 2 thuộc cấp đã báo cáo UBND tỉnh Yên Bái không trung thực về việc chấp hành pháp luật của Công ty Thái Dương" - kết luận điều tra nêu.

Trên cơ sở báo cáo của Sở TN-MT, UBND tỉnh Yên Bái có văn bản báo cáo, đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản báo cáo Bộ TN-MT xem xét, quyết định cho phép Công ty Thái Dương được gia hạn giấy phép. Từ đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã báo cáo đề xuất để cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc ký gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương vào ngày 6-8-2021.

Theo cáo buộc, Đoàn Văn Huấn đã bán trái phép hơn 10.200 tấn tinh quặng đất hiếm và hơn 280.000 tấn tinh quặng sắt, thu lợi bất chính hơn 736 tỉ đồng.

Tác giả: Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP